Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Cúm có thể gây chết người

Đối với người già, trẻ em và những người có nguy cơ cao nên chủng ngừa cúm hằng năm vì cúm rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.

Dân gian thường hay gọi là “cảm cúm” khi người xuất hiện các triệu chứng như sổ mũi, ho, người ấm ấm, nhức đầu… Bệnh xuất hiện khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi, cơ địa yếu, sống trong môi trường ô nhiễm.
 
Tuy nhiên, theo PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp BV Chợ Rẫy, cảm và cúm là hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Cảm là bệnh nhiễm trùng hô hấp trên, biểu hiện nhẹ, tự khỏi trong 5-7 ngày nhưng cúm là bệnh nặng có thể tử vong, đặc biệt đối với người già, trẻ em và người mắc các bệnh đồng thời như tiểu đường, xơ gan, ung thư…
Phân biệt cảm - cúm
Cảm và cúm đều là bệnh nhiễm virus hô hấp gây nên. Tuy nhiên, cảm thường chỉ gây viêm đường hô hấp trên chủ yếu là rhinovirus và adenovirus. Với bệnh cảm, có thể nhiễm bệnh vào bất kỳ thời gian nào trong năm. Người mắc bệnh cảm có thể cảm thấy đau mỏi cơ thể, có thể sốt, đau họng... Chỉ cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ là khỏi.
Còn cúm cũng là bệnh nhiễm virus đường hô hấp, thường do virus cúm A (influenza Av - H1N1, H5N1), B, C... và thường diễn biến theo mùa, cuối mùa thu và giữa mùa đông. Nó biểu hiện nặng nề hơn cảm như suy nhược toàn thân, đau nhức mình, sốt cao, ho... có khi gây viêm phổi suy hô hấp dẫn đến tử vong đặc biệt ở trẻ em, người già và những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, xơ gan, suy tim,...
 
Để phòng bệnh cảm - cúm chủ yếu là tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ăn uống đủ chất và tập thể dục thể thao đều đặn.
 
Người lớn và cả trẻ em khi thấy sốt, ho, đau họng, đau đầu… thì cần đi đến các cơ sở y tế khám
để phát hiện cúm, tránh biến chứng tử vong và lây lan cho người xung quanh. Ảnh: Duy Tính
Đối với người già, trẻ em và những người có nguy cơ cao nên chủng ngừa cúm hằng năm vì cúm rất nguy hiểm cho sức khỏe. Các bệnh tiểu đường, xơ gan, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khi bị cúm dễ bị bội nhiễm và tỉ lệ tử vong cao gấp đôi. Do đó, vấn đề giữ gìn sức khỏe tăng cường sức đề kháng là không thức quá khuya, tập thể dục mỗi ngày, ăn uống nhiều vitamin…
Khi bị cúm thì phải đến bác sĩ ngay, dấu hiện ho, sổ mũi, đặc biệt sốt cao, cơ thể rũ rượi, suy nhược. Virus cúm gây suy giảm sức đề kháng của cơ thể và đôi khi gây nguy hiểm đến tính mạng và có thể chết vì cúm.
Các tác nhân gây nên bệnh lý đường hô hấp
Ở bệnh lý đường hô hấp có hai nhóm nguyên nhân: Một là do lây nhiễm từ tác nhân vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm) và hai là do tác nhân không do vi sinh vật - môi trường.
Bệnh lý đường hô hấp do tác nhân môi trường mà nguyên nhân do không khí ô nhiễm, thời tiết thay đổi, chuyển mùa trên cơ địa dễ bị kích thích, khi đó sẽ xuất hiện các triệu chứng như viêm mũi xoang, viêm phế quản…
 
Nó có thể gây viêm đường hô hấp trên nhưng đôi khi sẽ gây viêm đường hô hấp dưới và đặc biệt nó sẽ làm cho bệnh nhân bị hen suyễn trên cơ địa thuận lợi. Bệnh hô hấp do nhóm nguyên nhân này hiện đang gia tăng do tình trạng ô nhiễm môi trường, công nghiệp hóa ngày càng tăng lên. Các bệnh đường hô hấp do môi trường chiếm khoảng 30%-40% .
Bệnh lý viêm đường hô hấp do tác nhân vi sinh vật như virus, vi khuẩn (lao và các tác nhân khác) và nấm. Nếu bệnh do virus thì thường gặp nhất là giai đoạn chuyển mùa, mùa đông có thể có những đợt cúm và cảm. Bệnh này rất khó tránh khỏi do khuynh hướng lây lan nhanh mà dân gian gọi là dịch cảm cúm. Tác nhân do virus chiếm 60%-70%.
Thường sau những đợt cảm và cúm có thể xảy ra những đợt nhiễm khuẩn hô hấp do vi khuẩn hoặc khi mật độ vi khuẩn gia tăng trong môi trường, nhất là trong thời kỳ chuyển mùa, kèm theo sức đề kháng giảm do mất ngủ, làm việc quá sức hay những bệnh nhân có bệnh mạn tính đi kèm như tiểu đường, xơ gan, nghiện rượu,… Kể cả những nơi vi khuẩn tồn tại nhiều như máy lạnh, quạt máy vì máy lạnh, quạt máy là nơi ẩm thấp nhất và ít được vệ sinh nhất, vi khuẩn dễ dàng phát triển.

1 nhận xét: