Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Căn bệnh khiến hàng nghìn người phải rửa phổi

Hàng năm theo thống kê của các chuyên khoa bệnh nghề nghiệp, có đến gần 30 nghìn người mắc bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh phổi.

Gần 30 nghìn người mắc bệnh nghề nghiệp
Bệnh phổi nghề nghiệp là một bệnh do tiếp xúc lâu dài với bụi và hơi khí độc trong môi trường lao động. Người công nhân tiếp xúc nhiều với bụi như trong nghề cơ khí. tiện, hàn, nghề đục rồi sang ngành xây dựng như khoan đá, lấy đá... Nhưng đặc biệt là trong ngành khai thác than, bệnh nghề nghiệp dường như không loại trừ ai.
Căn bệnh khiến hàng nghìn người phải rửa phổi - 1Có đến gần 30 nghìn người mắc bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh phổi
Đến khám tại BV Lao phổi Trung ương, anh Nông Văn T. quê ở Thái Nguyên khá bất ngờ khi bác sĩ cho biết anh bị bệnh phổi nghề nghiệp. Anh T. cho biết anh làm công nhân khác thác đá mấy năm nay. Khoảng 6 tháng nay anh xuất hiện các cơn ho, ho nhiều và thậm chí ho ra máu. 
Anh đã điều trị ở bệnh viện tỉnh nhưng không đỡ. Anh đã đi xét nghiệm ung thư nhưng vẫn không có chẩn đoán bệnh ung thư.
Gần 6 tháng nằm điều trị tại bệnh viện tuyến dưới không khỏi, đến nay anh T. lên BV Lao phổi Trung ương điều trị được 2 tuần và anh có cảm giác dễ thở, bớt ho hơn.
Trường hợp của anh Bùi Văn X. quê ở Nghệ An cũng tương tự, anh X. thường xuyên bị đau ngực khó thở. Anh điều trị ở bệnh viện tỉnh 2 tháng nhưng bệnh không đỡ. 
Khi lên Hà Nội khám, anh được bác sĩ cho biết bị bệnh phổi nghề nghiệp do bụi. Lúc này, anh X. mới biết đến có bệnh phổi do nghề nghiệp. Anh X. kể mình đi làm nghề đục đá nhiều năm nay nhưng nửa năm trở lại đây thường thấy đau ngực, khó thở anh mới đi bệnh viện khám.
PGS Khương Văn Duy - Trưởng khoa Bệnh phổi Nghề nghiệp - BV Lao Phổi Trung ương cho biết là bệnh do tiếp xúc lâu dài với bụi trong môi trường làm việc. Hiện nay bệnh phổi nghề nghiệp còn rất mơ hồ với người dân trong khi đó hàng năm có có khoảng gần 30 nghìn người bị bệnh phổi nghề nghiệp.
Theo BS Duy bệnh phổi nghề nghiệp xuất hiện hầu hết ở các ngành nghề, ngay cả trong nông nghiệp, nghề thủ công…Trong công nghiệp mộc, mùn cưa cũng là tác nhân gây phổi; Người nông dân phun thuốc sâu gây kích thích đường hô hấp và gây viêm phổi.
Bụi khí làm xơ cứng buồng phổi của người bệnh. Bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tàn phế, gây mất sức lao động, thậm chí là ung thư nếu tiếp xúc với bụi amiăng…
Rửa phổi, thay thế phối
Theo thống kê của Bộ Y tế, 38,7% bệnh nhân bị bệnh phổi nghề nghiệp là công nhân làm trong công nghiệp khai thác than đá, còn lại là bệnh nhân trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng nhưng nung gạch, cơ khí, đúc….
Trong số các bệnh phổi nghề nghiệp chiếm số lượng cao nhất là bệnh phổi silic. Bệnh bụi phổi-silic là một bệnh nan y, do người lao động hít phải bụi có chứa silic tự do. Đây là bệnh tiến triển không hồi phục, thậm chí cả khi đã ngừng tiếp xúc với bụi. 
Diễn tiến bệnh bụi phổi – silic thường âm thầm, từ từ và kéo dài nhiều năm, không thể hồi phục được. Bệnh không có thuốc đặc hiệu, chỉ có thể chữa trị triệu chứng, giúp bệnh nhân bớt khó thở, bớt ho, nhiễm trùng (nếu có). Về lâu dài khi bệnh nhân bị suy hô hấp nặng phải hỗ trợ thở oxy.
Hiện nay phương pháp điều trị bệnh nghề nghiệp chủ yếu sử dụng các thuốc điều trị làm giảm quá trình xơ hóa phổi và giúp bệnh nhân phục hồi chức năng bằng cách tập thở. Theo BS Duy những bệnh nhân xơ hóa toàn phổi tiến tới thay phổi để giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống. Hiện nay chỉ có khoảng 4% người lao động được khám bệnh định kỳ, còn lại đa số người lao động không được khám chữa bệnh định kỳ.
Theo PGS Nguyễn Viết Nhung - GĐBV Lao Phổi Trung ương, bệnh phổi nghề nghiệp không giới hạn độ tuổi, đặc biệt là những người bị bệnh trong độ tuổi lao động chính chiếm đa số. Hàng loạt bệnh nghề nghiệp như bệnh phổi silic, bệnh phổi amiang, bệnh phổi bông, bệnh phổi than, hen, viêm phế quản mãn tính.
Hiện nay có các biện pháp dự phòng như thở khí dung trung hòa kiềm nóng để giảm các bệnh phổi cho bệnh nhân làm trong các môi trường. Ngoài ra, các bệnh nhân làm trong môi trường than đá hay bị các bệnh phổi than sẽ phải rửa phổi để dự phòng bệnh phổi nghề nghiệp.
Để hạn chế bệnh phổi nghề nghiệp, BS Nhung cho biết mặc quần áo bảo hộ theo quy định, đeo khẩu trang đặc dụng, định kỳ khám sức khỏe 6 tháng 1 lần, khi thấy các dấu hiệu ho, đau tức ngực cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa để khám các bệnh phổi nghề nghiệp.


​Bệnh bụi phổi đứng đầu bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam

Theo thống kê mới nhất, tại Việt Nam hiện có gần 28.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn gấp nhiều lần.

Theo xu thế phát triển của xã hội, ngày càng nhiều ngành nghề mới có tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là các yếu tố gây nên bệnh ở phổi, phế quản.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khoa học phát triển mạng lưới ung thư phổi và bệnh phổi nghề nghiệp do BV Phổi Trung ương - Bộ Y tế tổ chức ngày 24/6.
Các báo cáo tại hội thảo nêu rõ trong danh mục quy định các bệnh nghề nghiệp hiện nay có tới 6 bệnh bụi phổi, phế quản và các bệnh liên quan tới phổi, ví dụ như: bệnh bụi phổi silic, bệnh bụi phổi amiang, bệnh bụi phổi bông…
Trong tổng số 30 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế thì bệnh bụi phổi là bệnh phổ biến nhất, chiếm tới 74% số ca; tiếp theo là bệnh đường hô hấp chiếm 32%; sau đó là bệnh do tiếng ồn chiếm 17%.

Ung thư phổi: Những triệu chứng không thể bỏ qua

Với những triệu chứng như ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực... bệnh nhân cần nghĩ ngay đến các triệu chứng của ung thư phổi để có thể phát hiện bệnh sớm nhất.

Ảnh minh họa.
Khàn tiếng do ung thư phổi
Tại BV Lao phổi Trung ương, ông Nguyễn Thế Việt quê Thái Bình, 56 tuổi, cho biết: Từ Tết ông có cảm giác khàn tiếng, nói khó. Người nhà cho rằng ông bị viêm họng, viêm dây thanh quản nên đã mua thuốc về uống. Tuy nhiên, giọng ông càng ngày càng khàn nặng.
Ông đi kiểm tra tại Bệnh viện tỉnh bác sĩ chụp ảnh phát hiện có khối u trong phổi nhưng chưa rõ khối u lành tính hay ác tính. Ông Việt lên BV Lao phổi Trung ương, tại đây bác sĩ chẩn đoán ông bị u phổi trái. Qua điều trị bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật và xét nghiệm tế bào. kết quả, ông Việt bị ung thư phổi.
Từ khi biết mình bị ung thư phổi, ông Việt suy sụp tinh thần, không ăn không ngủ. Đang tiến hành xạ trị nhưng lúc nào ông cũng thở dài vì cầm cái án “cá nằm trên thớt” không biết khi nào thì chết.
Cùng hoàn cảnh, ông Đinh Quang Nam 54 tuổi, trú tại Hà Nội có triệu chứng ho kéo dài. Khi vào viện ông Nam mới biết mình có khối u ở phổi trái và ung thư đã đi vào giai đoạn 3B. Dù là giai đoạn muộn nhưng ông Nam vẫn hi vọng có thể điều trị được bệnh để kéo dài sự sống cho mình. Hiện ông đang điều trị theo phác đồ hóa xạ trị đồng thời. Đến nay khối u ở phổi trái đã mờ hẳn chỉ còn dải xơ.

Bệnh ung thư phổi tiên lượng còn rất yếu
Bệnh ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư hàng đầu ở Việt Nam chỉ đứng sau ung thư vú. Điều khó khăn nhất là bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân tử vong chiếm tỷ lệ cao.
Theo GS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc BV Lao Phổi Trung ương, ung thư phổi là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam cũng như một vài nước khác. Ở Mỹ, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư phổi và tử vong gấp 4 lần các bệnh ung thư khác.
Đa số bệnh nhân ung thư phổi đều liên quan đến thuốc lá. Tình hình bệnh ở Việt Nam vẫn còn khá nặng nề, số bệnh nhân đang ngày càng tăng lên trong khi đó tiên lượng của điều trị ung thư phổi còn rất khiêm tốn.
So với ung thư vú, ung thư trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến dù tỷ lệ mắc cao nhưng tỷ lệ giải quyết được bệnh cũng rất cao còn ung thư phổi thì tỷ lệ người mắc và tỷ lệ tử vong xấp xỉ ngang nhau. Thời gian sống thêm của bệnh nhân chỉ chiếm 2%.
GS Nhung cho rằng giống như nhiều loại ung thư khác, ung thư phổi nếu phát hiện sớm thì câu chuyện lại khác. Tuy nhiên để phát hiện sớm cũng không dễ dàng. Theo thống kê của các chuyên gia y tế, với người bị ung thư phổi ở giai đoạn 1, tỷ lệ sống sót lên tới 70%. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân tại Việt Nam lại phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, không còn khả năng điều trị triệt để; rất ít người còn có khả năng cắt khối u.

Các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn sớm thường không đặc hiệu. Ho là biểu hiện thường gặp nhất nhưng nó cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác. Ngoài ra, một số người có thể thấy đau ngực, khó thở, ho ra máu, sụt cân, khàn tiếng, sốt, ho ra máu, đau khớp. Trong đó biểu hiện ho kéo dài chiếm 87% số bệnh nhân đến khám, ngoài ra đau ngực chiếm 86 %, sụt cân 68%.

BS.CKII Tạ Chi Phương - Trưởng khoa Ung thư - BV Lao Phổi Trung ương cho biết, hiện nay phương pháp điều trị ung thư phổi cơ bản là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị liệu.

Đối với phẫu thuật, BS Phương cho biết chỉ thực hiện được ở bệnh nhân phát hiện sớm, khối u còn khu trú. Giai đoạn muộn hơn phẫu thuật không thể lấy hết được các khối u vì đã xâm lấn, lan rộng ra xung quanh. Nếu phẫu thuật dễ dẫn đến tái phát và di căn xa. Đối với phương pháp xạ trị được chỉ định khá rộng tiêu diệt được các tế bào ung thư đã xâm lấn rộng ra các tế bào ung thư nguyên phát là nơi phẫu thuật sẽ không lấy hết.
Còn đối với hóa trị liệu, BS Phương cho rằng đối với ung thư phổi sẽ hóa trị liệu toàn thân tiêu diệt tất cả tế bào ung thư đã và đang lưu hành trên cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp này gây hủy hoại nhiều tế bào lành tính và tác dụng phụ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe toàn diện của bệnh nhân nên liều lượng hóa chất đưa vào cơ thể bị hạn chế.
Ngoài ra, còn có liệu pháp nhắm trúng đích đây là liệu pháp can thiệp vào các phân tử đặc hiệu trong cơ chế sinh ung và gia tăng sự phát triển của khối bướu, các phân tử này là các đích phân tử. Phương pháp này không có tác dụng điều trị triệt căn.
BS Phương cho biết với mỗi phương pháp trên chỉ giải quyết được 1 khâu trong quá trình điều trị, các phương pháp sẽ bổ sung hỗ trợ cho nhau tạo thành một quá trình điều trị hoàn chỉnh giải quyết một cách triệt để nhất bệnh ung thư.

Làm thế nào để ngừa bệnh hô hấp trong mùa mưa?

Những bệnh về đường hô hấp như cảm, ho, viêm phế quản, viêm họng thường xảy ra trong mùa mưa và luôn đi kèm với những căn bệnh nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, viêm não hay viêm phổi.

Để bảo vệ sức khỏe, giữ cho hệ thống cơ quan hô hấp luôn khỏe mạnh trong mùa mưa, bạn có thể áp dụng một số bí quyết đơn giản dưới đây. 
Tránh mưa
Hãy nhớ mang theo dù hoặc áo mưa bên mình khi đi ra ngoài và cố gắng giữ cho cơ thể không bị ướt mưa để đề phòng tình trạng nhiễm lạnh. Trong trường hợp đã lỡ bị mắc mưa, bạn nên tắm nước ấm ngay khi về đến nhà nhằm vệ sinh cơ thể, ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn.

Uống hoặc ăn những món nóng
Dùng trà, súp, canh hay cháo là mẹo giúp làm tăng nhiệt độ trong cơ thể, ngăn ngừa cảm lạnh do bị mắc mưa.
Bổ sung vitamin C
Bạn có thể bổ sung dưới hình thước thuốc uống hoặc tăng cường thêm những thực phầm giàu vitamin C trong khẩu phần ăn hàng ngày. Vitamin C giúp củng cố sức mạnh cho hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Đây cũng được xem là một trong những cách điều trị bệnh cảm lạnh. Chúng sẽ kích thích khả năng hoạt động của các kháng thể để đánh bại những triệu chứng khó chịu của bệnh cảm, cúm.
Rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn
Là một trong những bí quyết bảo vệ sức khỏe hữu hiệu cho cả người lớn lẫn trẻ em, giúp ngăn ngừa nhiều căn bệnh viêm nhiễm thông thường.
Uống đủ nước
Nước không chỉ giúp làm dịu mát cơ thể, duy trì thân nhiệt ổn định mà còn là biện pháp để bạn loại thải bớt những độc tố tích tụ trong cơ thể ra bên ngoài. Đối với người lớn, cần cung cấp cho cơ thể khoảng 2 lít nước (tương đương với 6 - 8 ly nước) mỗi ngày. Uống đủ nước còn là cách để bạn hạn chế tình trạng tiết nhiều dịch nhầy trong trường hợp đang mắc bệnh cảm hay cúm.
Hạn chế tiêu thụ chất cồn và hút thuốc lá
Chất cồn làm cơ thể bị mất nước và là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch bị suy yếu, ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của hệ thống các cơ quan hô hấp. Rất nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh được mối liên quan giữa việc tiêu thụ chất cồn thường xuyên với sự hoạt động yếu kém của hệ thống hô hấp.
Tiêu thụ nhiều chất cồn còn làm phổi bị viêm nhiễm và gây tắt nghẽn đường thở.
Trong khi đó, tác hại của thuốc lá đối với cơ quan hô hấp vô cùng lớn. Khoảng 4000 loại độc tố có trong mỗi điếu thuốc lá sẽ làm suy giảm khả năng hoạt động của phổi, gây xơ cứng các động mạch trong phổi và tiềm ẩn nguy cơ ung thư.


Chế độ ăn uống cân bằng và phù hợp
Những thay đổi trong chế độ ăn uống có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho hệ thống hô hấp.
Kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Úc cho thấy những thực phẩm giàu chất béo có thể gây ra các cơn hen, suyễn và làm giảm hiệu quả của các loại thuốc chữa trị bệnh về đường hô hấp. Những sản phẩm từ sữa cũng có thể làm tăng tình trạng tiết dịch nhầy, gây bít, tắt đường thở và kích thích cơn hen suyễn hay dị ứng. Thay vào đó, bạn có thể chọn những sản phẩm từ sữa thực vật như sữa đậu nành, sữa bắp hay sữa gạo.
Để tăng cường miễn dịch và ngăn ngừa viêm nhiễm, bạn nên chọn những thực phẩm giàu các vitamin, khoáng chất cùng các chất chống ô-xy hóa như trái cây, rau xanh, các loại quả hạch, ngũ cốc.


Hen suyễn "vào mùa" sớm

“Bệnh hen suyễn thường tăng vào mùa lạnh. Tuy nhiên, trong những ngày chuyển mùa vừa qua, đã có nhiều trẻ bị hen, trong đó không ít trẻ lên cơn nặng”.

Sai lầm nhỏ, hậu quả lớn
Xịt thuốc sai (xịt không đúng, không đủ liều, không đều đặn): Đây là sai lầm thường gặp nhất và gây hậu quả lớn nhất vì khiến việc điều trị hen kéo dài, kém hiệu quả, thậm chí không hiệu quả. Thay vì đi vào phế quản, khí quản nhằm làm giảm sưng viêm phế quản thì thuốc lại vào họng, xuống đường tiêu hóa. 
Điều này khiến bệnh của trẻ không thuyên giảm mà còn gây ra các tác dụng phụ như viêm họng, nhiễm nấm. Kỹ thuật sử dụng thuốc, dụng cụ xịt thuốc cần được bác sĩ (BS) huấn luyện kỹ lưỡng.
Vệ sinh quá kỹ buồng đệm bằng giẻ chùi xoong, bàn chải; cho buồng đệm vào nồi luộc… cũng là sai lầm thường gặp. Buồng đệm đã được tráng lớp sơn tĩnh điện, có độ trơn láng rất cao nhằm mục đích không cho các hạt thuốc đọng lại khi xịt. Nếu vệ sinh quá mức làm lớp tĩnh điện bên trong bị trầy xước, thuốc đọng lại trong bình một phần chứ không đi hết vào đường thở khiến thuốc bị giảm liều, việc điều trị kém hiệu quả.
Tự ý mua thuốc: BS Đặng Thị Kim Huyên từng tiếp nhận một bé năm tuổi (Bình Dương), được mẹ đưa đi khám bệnh hen với những triệu chứng bệnh liên quan đến tác dụng phụ của thuốc như mặt bị căng, tròn xoe như quả bóng, hai bên má mọc đầy lông (hội chứng Cushing). 
Sau khi khám và tìm hiểu, BS xác định, do người mẹ không đưa con tái khám mà tự ý mua thuốc cho con uống trong thời gian hơn một năm theo đơn thuốc BS kê trong lần khám trước đó. Loại thuốc dạng viên uống mà chị mua có liều lượng gấp hơn 10 lần so với dạng thuốc xịt dự phòng hen. 
Không như thuốc dạng xịt, đi vào phế quản và ra ngoài theo đường thở, dạng thuốc uống sẽ vào máu, lên não, xuống các cơ quan nội tạng khác gây nên nhiều tác dụng phụ như mục xương, tuyến thượng thận bị ảnh hưởng.
Cấm trẻ ăn uống, vận động: Không ít bà mẹ vì sợ con bị suyễn sẽ dị ứng, lên cơn hen nên cấm không cho bé ăn bất cứ thứ gì ngoài cơm và thịt heo luộc, khiến nhiều bé đã bị suy dinh dưỡng, xanh xao. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, bởi trẻ sẽ khó có thể phát triển, sức đề kháng kém và bệnh hen lại càng nặng hơn.
Tương tự, đừng vì sợ trẻ lên cơn hen mà cấm trẻ vận động. Vận động đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển hài hòa và tăng cường thể lực. Nên cho trẻ chơi những môn thể dục thể thao nhẹ nhàng, có nhiều mức độ từ nhẹ đến vừa sức như đi bộ, tập thể dục nhịp điệu, yoga… Không ít phụ huynh e ngại khi cho trẻ đi bơi. Thực tế, bé vẫn có thể bơi lội với điều kiện hồ sạch, được thay nước thường xuyên.
Bỏ sót và nhầm lẫn: Bệnh hen và viêm mũi thường đồng hành với nhau, vì vậy cần được điều trị cùng lúc. Nếu chỉ điều trị hen mà bỏ sót viêm mũi thì bệnh của trẻ cũng khó thuyên giảm.
Cho trẻ nuốt vật lạ: Có người còn mắc những sai lầm nghiêm trọng khác như cho trẻ ăn, uống, nuốt những vật kỳ lạ: giun đất, thạch sùng sống, uống mật cá, nhau thai mèo, hoặc uống thuốc của các thầy lang vườn… Không ít trẻ đã phải đi cấp cứu vì cách chữa hen theo kiểu truyền miệng này.
Kiểm soát hen giúp trẻ vui sống
Theo thống kê tại BV Nhi Đồng 2, các bệnh về hô hấp nói chung chiếm đến 1/3 tổng số bệnh nhân đến khám; riêng bệnh hen suyễn chiếm 1/3 trong số đó. Hen suyễn có nhiều cấp độ khác nhau.
Suyễn sữa ở trẻ nhỏ: Bé có biểu hiện ho, khò khè như bệnh hen suyễn, nhưng nguyên nhân thực sự là do đường thở của bé ngắn, nhỏ, cơ thể bé với hệ miễn dịch chưa đủ mạnh nên dễ mắc bệnh đường hô hấp… Tình trạng này sẽ chấm dứt với đa số trẻ khi qua "đốt" ba tuổi, nếu trẻ và những người trong gia đình không có cơ địa suyễn, viêm mũi, dị ứng.
Qua ba tuổi cho đến sáu tuổi: Nếu trẻ vẫn có những cơn hen thì cần tiếp tục điều trị dự phòng. Sau khoảng mỗi ba tháng, trẻ được giảm liều một lần cho đến khi hen được kiểm soát tốt.
Từ sáu tuổi trở lên: Nếu trẻ bắt đầu cơn hen từ sáu tuổi trở lên thì nhiều khả năng trẻ đã bị suyễn thực sự. Hiện chưa có nơi nào trên thế giới có thể chữa khỏi bệnh này. Người bị bệnh cùng gia đình cần hiểu, chấp nhận thích nghi và sống chung với hen cả cuộc đời. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ để đón nhận và có kế hoạch kiểm soát bệnh. Nhờ đó, bệnh nhân có được nhịp sống bình thường nhưmọi người.
Trong điều trị hen luôn dùng cùng lúc hai loại thuốc cắt cơn và dự phòng. Trong đó, thuốc cắt cơn chỉ dùng khi trẻ lên cơn hen hoặc để ngăn ngừa cơn hen khi gắng sức (luyện tập thể dục thể thao, làm việc nặng…). Việc lạm dụng thuốc hay bỏ qua, không sử dụng, đều không nên.
Thuốc điều trị dự phòng: Có tác dụng chống viêm và ngừa cơn hen, được dùng hàng ngày kể cả khi không có triệu chứng. Thuốc bắt đầu có tác dụng từ khoảng vài tháng; thông thường sẽ giảm liều sau mỗi ba tháng cho đến khi cơn hen dứt hẳn. Việc điều trị hen phải được tính bằng năm chứ không chỉ vài ngày hay vài tháng. Nếu điều trị vài đợt mà bệnh vẫn không giảm thì cần kiểm tra lại xem có mắc phải những sai lầm kểtrên không.
Sau khi được điều trị hợp lý, đáp ứng thuốc tốt, người bệnh hoàn toàn không bị lên cơn hen nữa. Tuy nhiên đó chỉ là trạng thái im lặng của bệnh, hen có thể bùng phát bất ngờ. Phụ huynh không nên thất vọng khi thấy trẻ lên cơn hen trở lại, mà cần chuẩn bị để đối phó. Cụ thể, nhận biết dấu hiệu cơn hen chuyển nặng để sử dụng ngay bình xịt thuốc cắt cơn, giảm khó thở cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bị bệnh hen luôn nhớ mang theo bình xịt cắt cơn và gặp BS theo dõi định kỳ.


Chữa hen suyễn bằng thực phẩm

Ở thể phong nhiệt, người bệnh bị ho, khó thở, có tiếng khò khè, ngực đầy tức, đờm vàng dính đặc khó khạc, miệng đắng, khát nước, người nóng, ra mồ hôi, chất lưỡi màu đỏ, rêu lưỡi vàng dày. Để bồi bổ cho người bị hen suyễn thể phong nhiệt có thể dùng các món sau.
Canh rau hẹ:
Nguyên liệu: rau hẹ 100g, hoa đu đủ đực 50g, lá dâu tằm30g tươi.
Cách làm: hoa đu đủ đực, lá dâu tằm giã nát, hòa với 300ml nước lọc lấy nước (bỏ xác) đem đun sôi. Cho rau hẹ vào đảo đều đến khi sôi lại thì nêm gia vị vừa ăn. Chia hai-ba lần ăn trong ngày. Ăn liên tục ba ngày, sau đó cách một-hai ngày ăn một lần.
Bột lá dâu, lá khế:
Nguyên liệu: lá dâu tằm 300g, lá khế 100g, hạt tía tô 40g. Tất cả rửa thật sạch, phơi hoặc sấy khô, tán bột. Ngày dùng 50g, hãm với 100ml nước sôi, uống vào buổi sáng.
Có thể chỉ dùng lá dâu tằm 30-50g rửa sạch, nấu với 750ml nước, sắc còn lại 300ml, dùng uống thay nước trà.
Chữa hen suyễn thể phong hàn
Ở thể phong hàn, người bệnh thấy khó thở, tức ngực, ho có đờm màu trắng, cơn phát lúc trời trở lạnh, về đêm. Đau đầu, sợ lạnh, người mát, không ra mồ hôi, không khát nước, nước tiểu trong, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhạt. Các món ăn có ích cho người bị hen suyễn thể phong hàn:
Nước đinh hương, mật ong:
Nguyên liệu: đinh hương 5-6 nụ, mật ong 50ml.
Cách làm: nấu sôi đinh hương với 100ml nước, thêm mật ong vào khuấy đều. Chia hai-ba lần uống trong ngày.
Canh rau hẹ, hoa đu đủ đực:
Nguyên liệu: rau hẹ 100g, hoa đu đủ đực 50g, gừng tươi
10-15g (ba lát nhỏ).
Cách làm: hoa đu đủ đực, gừng tươi rửa sạch, giã nát, thêm 300ml nước, lọc lấy nước (bỏ bã), đun sôi rồi cho rau hẹ vào đảo đều đến khi sôi lại thì nêm gia vị vừa ăn.
Chia hai-ba lần ăn trong ngày. Ăn liên tục ba ngày, sau đó cách một-hai ngày ăn một lần.
Chữa hen suyễn thể phong đàm
Ở thể phong đàm, người bệnh thấy tức ngực, khó thở, ho ra nhiều đàm nhớt, khò khè liên tục, miệng nhạt, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi dày, nhờn. Các món ăn có ích cho người bị hen suyễn thể phong đàm:
Trứng gà ngâm nghệ:
Nguyên liệu: trứng gà một quả, nghệ vàng 50g, muối ăn.
Cách làm: dùng kim khoan hai lỗ nhỏ ở hai đầu quả trứng gà. Nghệ vàng rửa sạch, giã nhỏ, thêm 100ml nước vào lọc lấy nước, hòa với ít muối (khoảng một muỗng cà phê muối). Ngâm trứng gà vào nước nghệ ba ngày.
Ba ngày ăn một quả. Ăn liên tục 10 quả.
Nước chanh gừng:
Nguyên liệu: chanh một quả, gừng tươi 10g, muối ăn 1/2 muỗng cà phê.
Cách làm: giã nát gừng với muối ăn rồi cho vào ruột quả chanh. Nướng quả chanh trên lửa than đến khi vỏ chanh có màu vàng đều.
Ép lấy nước chanh cho bệnh nhân uống hai-ba lần trong ngày. Uống liên tụcnăm ngày.
Nước mật ong, quế:
Nguyên liệu: mật ong 30ml, bột quế 2-3g.
Cách làm: hòa mật ong, bột quế với 150ml sữa nóng. Chia uống một-hai lần trong ngày.