Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Thủ phạm gây viêm họng hạt tái phát

Nhiều bệnh nhân tự chẩn đoán được là mình bị viêm họng hạt với thầy thuốc khi khám bệnh: Bác sĩ chữa cho tôi bệnh viêm họng hạt với, tôi đã uống thuốc và đốt họng nhiều lần nhưng chỉ đỡ mà không khỏi. Vậy viêm họng hạt là gì? Tại sao lại hay tái phát như vậy?
Nhận diện viêm họng hạt
Viêm họng hạt là một thể loại của viêm họng mạn tính, do tình trạng viêm họng kéo dài dẫn đến sự phát triển quá độ của các tổ chức lympho ở thành sau họng tạo nên các hạt. Bệnh tích các hạt này có thể toả lan khắp họng hoặc khu trú thành những đảo lympho lớn kích thích, làm bệnh nhân thường xuyên thấy ngứa họng, vướng họng, hay phải khạc nhổ kèm theo là phản xạ ho. Có thể ho húng hắng hay ho từng cơn. Những cảm giác này rất rõ rệt về buổi sáng lúc mới thức dậy. Bệnh nhân cố ho khạc, đằng hắng để làm long đờm. Bên cạnh cảm giác nuốt vướng là nuốt đau. Bệnh nhân có cảm giác nóng cay trong họng kèm theo ngứa, ho cơn. Cơn ho thường xuất hiện lúc bắt đầu đi ngủ. Nằm nghiêng bên nào thì tắc mũi ở bên đó. Tiếng nói có thể khàn nhẹ hoặc bình thường. Bệnh nhân rất hay buồn nôn và có nhiều phản xạ họng. Những bệnh nhân uống rượu, hút thuốc lá, hoặc nói nhiều thì các triệu chứng trên lại tăng thêm.
Khám họng thấy niêm mạc họng đỏ, dày, ướt, có những hạt ở thành sau họng. Dịch tiết nhầy dọc theo vách họng. Có khi các cơ họng cũng quá phát. Bên cạnh mỗi trụ sau có một cái nẹp giả do niêm mạc bị quá phát. Thành sau họng có những mảng quá sản dày, bóng và đỏ. Màn hầu và lưỡi gà dày, eo họng bị hẹp.
Sau giai đoạn viêm quá phát sẽ chuyển sang thể teo, chính vì thế càng có tuổi bệnh viêm họng hạt càng đỡ dần. Các tuyến nhầy và nang tổ chức tân xơ hoá. Hai trụ giả phía sau hai amidan mất đi. Các hạt ở thành sau họng cũng biến mất. Niêm mạc họng trở nên nhẵn, mỏng, trắng và có mạch máu nhỏ. Màn hầu và lưỡi gà mỏng đi. Eo họng doãng rộng, ít tiết nhầy và họng trở nên khô.
 Hình ảnh tổ chức lympho ở thành sau họng tạo nên các hạt trong viêm họng hạt.
Truy tìm thủ phạm
Viêm họng hạt tuy không gây ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh nhưng làm suy giảm chất lượng cuộc sống của họ. Bệnh nhân bị viêm họng hạt gặp khó khăn trong giao tiếp do ngứa, vướng họng khi đang nói chuyện, vừa nói vừa phải dừng lại để khạc đờm.
Viêm họng hạt có nhiều nguyên nhân gây ra, muốn điều trị triệt để viêm họng hạt phải tìm đúng nguyên nhân gây bệnh để giải quyết.
Viêm họng hạt thường là hậu quả bắt nguồn do viêm mũi xoang mạn tính, đặc biệt là viêm xoang sau. Dịch xuất tiết chảy từ các xoang xuống thành sau họng làm cho niêm mạc thành sau họng bị lớp chất nhầy bao phủ, khó hoạt động để thực hiện các chức năng sinh lý là làm sạch, vì vậy vi khuẩn dễ phát triển làm họng viêm thường xuyên - đây là điều kiện để viêm họng tái diễn và từ đó các hạt ở thành sau họng xuất hiện.
Viêm họng hạt được điều trị như thế nào?
      Điều trị bệnh viêm họng hạt sẽ có kết quả tốt nếu tìm được nguyên nhân.
     Điều trị tại chỗ có ý nghĩa quan trọng: thay đổi môi trường họng bằng các dung dịch BBM, nước muối sinh lý 0,9%. Làm ẩm niêm mạc họng bằng SMC, khí dung họng với tinh dầu hoặc các thuốc giảm viêm.
     Giai đoạn quá phát: đốt các hạt lympho ở trụ sau bằng cô te điện hoặc nitơ lỏng, laser...
     Giai đoạn teo: Khí dung nước biển từng đợt, kéo dài. Uống vitamin C và vitamin A để tăng sức đề kháng niêm mạc.
Viêm amiđan mạn tính cũng thường đi đôi với viêm họng hạt vì viêm amidan thực chất cũng là một dạng viêm họng khu trú ở amidan khẩu cái - cũng là tổ chức lymho ở thành sau họng. Khi bệnh nhân có chỉ định cắt amidan thì đôi khi viêm họng hạt cũng xuất hiện, thậm chí nặng hơn do các tổ chức lympho thành sau họng phát triển để bù đắp lại phần đã bị cắt bỏ.
Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản cũng là một trong những nguyên nhân được nghiên cứu để điều trị viêm họng hạt. Sự xuất hiện thường xuyên của dịch dạ dày làm pH của vùng họng giảm, niêm mạc họng trước đây hoạt động trong môi trường kiềm nhẹ nay lại phải hoạt động trong môi trường acid - là môi trường thích hợp cho các loại vi khuẩn gây bệnh hoạt động.
 Tỷ lệ viêm họng hạt ở những người suy gan, rối loạn dạ dày ruột, rối loạn nội tiết cao gấp 3 - 4 lần những người khác. Điều này đặc biệt rõ nét ở bệnh tiểu đường (họng đỏ và khô), tạng khớp (niêm mạc họng đỏ quá phát), trĩ mũi: niêm mạc họng teo, nhẵn khô và có vảy thối.
Phòng ngừa tái phát
Kiêng rượu, bia, thuốc lá. Ăn uống điều độ, tránh khói bụi, hơi độc. Khi bị viêm họng cấp cần điều trị dứt điểm, không để kéo dài trở thành mạn tính.            

ThS. Phạm Bích Đào

Chế độ ăn uống, luyện tập cho người hen suyễn

Nên tránh những thức ăn dị ứng, cần ăn thêm hành tây, tỏi, nghệ, ớt...hạn chế muối. Chọn những môn thể thao vừa sức. Giữ tâm hồn thư thái, không căng thẳng quá mức.

Hen suyễn là một loại bệnh dị ứng đường hô hấp. Khi bị dị ứng, lớp niêm mạc phế quản sưng phồng lên, thu hẹp đường hô hấp làm bệnh nhân khó thở. Các cơ bao quanh đường hô hấp cũng có thể bị co thắt làm cho việc hô hấp càng trở nên khó khăn hơn. Bệnh nhân cảm thấy ngực như bị lấp lại, thở ra rất khó, kèm theo theo có tiếng khò khè, ho. Bệnh nhân không nằm ngửa được mà phải ngổi há miệng để thở. Nếu bệnh nặng thì mồ hôi vã ra đầm đìa, môi lưỡi tím, người bứt rứt vật vã…

Cơn hen kéo dài thời gian 10-15 phút hoặc dài hơn, sau đó giảm dần. Cơn thường phát vào ban đêm, lúc trời trở lạnh, thời tiết thay đổi, hoặc cơn phát theo chu kỳ.

Những tác nhân dị ứng thường là phấn hoa, lông động vật, bụi nhà, các nha bào nấm, các loại vi khuẩn, các loại khói gây ô nhiễm không khí, các loại dược phẩm...Ngoài ra, các loại thực phẩm có thể gây dị ứng như tôm, cua, trứng, thịt bò, thịt gà cá trích, cá ngừ, tôm, sò lông, nhộng tằm, măng tre, đậu phộng, hạt điều, giá đậu, trái thơm (dứa), bia, rượu … 

Một số yếu tố khác như thần kinh căng thẳng, nội tiết tố thay đổi, thời tiết, khí hậu, môi trường ẩm ướt… đều có ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn.
Chế độ ăn uống, luyện tập cho người hen suyễn 1
Bệnh nhân hen suyễn cần có chế độ ăn uống hợp lý. Ảnh: ecdc.europa
Những người bị hen suyễn nên tránh những thức ăn có thể gây dị ứng. Nên ăn nhiều rau xanh, củ, quả có chứa nhiều vitamin C (cần được cung cấp đến 2g vitamin C mỗi ngày) như cam quýt, chanh, bưởi, kiwi, sơ ri, ổi, xoài, thanh long, rau bồ ngót, cần tây, ớt chuông, rau dền đỏ, rau đay, mồng tơi, cải xanh, cà chua…

Nên dùng nhiều thực phẩm giàu beta caroten có trong gấc, bí đỏ, cà rốt, đu đủ, khoai lang bí, rau bồ ngót, ớt chuông màu vàng, màu cam..., và vitamin E có nhiều trong dầu thực vật và các loại đậu, hạt, cũng có giúp bảo vệ và tăng cường chức năng hô hấp.

Người bệnh hen suyễn cũng cần ăn thêm các loại như hành tây, tỏi, nghệ, ớt, tương hạt cải, bông cải xanh, các loại ngũ cốc lứt, các loại rau thơm, để tăng cường sức đề kháng, tiêu đàm, bảo vệ và làm thông lợi đường hô hấp.

Hàng ngày nên ăn uống đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết, nhất là cần chú ý đến lượng chất đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu (cung cấp ít nhất 1g đạm/kg thể trọng/ngày). Tỷ lệ chất béo trong khẩu phần cần chiếm khoảng 40 - 45% tổng năng lượng cung cấp mỗi ngày. Chất bột đường trong khẩu phần cũng có tác dụng giúp làm tăng thông khí của đường hô hấp.

Các thực phẩm giàu chất béo omega 3 có thể làm giảm bớt tình trạng viêm, giảm nguy cơ bị khó thở, thở khò khè. Các loại thực phẩm giàu omega 3 là cá hồi, cá trích, cá thu, các loại hạt có dầu, còn có thể giúp phòng ngừa bệnh hen suyễn di truyền ở trẻ nhỏ.

Cần hạn chế muối (dưới 6g muối/ngày). Tránh những thực phẩm sinh hơi, gây trướng bụng, như thức uống có ga, táo tây, trái bơ, dưa hấu, đậu phộng rang, bông cải, bắp cải, bắp, hành, rau cải ngâm giấm hoặc làm dưa chua...

Một chế độ tập luyện thể dục thể thao vừa sức, luyện khí công, yoga, thái cực quyền, xoa bóp cơ thể hàng ngày, cũng rất có ích cho người bị hen suyễn.

Đồng thời, nên giữ cho mình một tâm thái nhẹ nhàng, không lo âu, căng thẳng quá mức.

Theo Lương y Đinh Công Bảy/ VnExpress

Mối liên hệ giữa phổi và não

Một nghiên cứu được thực hiện ở Thụy Điển phát hiện mối liên hệ giữa khả năng giải quyết vấn đề của não bộ và chức năng phổi.
Cụ thể, sức khỏe phổi tốt có thể giúp duy trì tốc độ xử lý cũng như khả năng giải quyết vấn đề của não bộ khi bạn về già.
Các chuyên gia rút ra kết luận trên sau khi phân tích dữ liệu từ 832 người, ở độ tuổi 50 - 85 tại Thụy Điển.
Ông Charles Emery, Giáo sư tâm lý học Đại học bang Ohio (Mỹ) cho biết: “Duy trì thói quen tập thể dục và ngưng hút thuốc lá sẽ là hai phương pháp chính yếu để bảo vệ chức năng phổi. Dinh dưỡng và môi trường sống ít bị ô nhiễm cũng góp phần bảo vệ phổi”.
Cuộc nghiên cứu không xem xét đến việc chức năng phổi suy giảm ảnh hưởng đến não như thế nào, nhưng GS. Emery và các đồng nghiệp của ông cho rằng, sức khỏe phổi kém có thể làm giảm lượng ôxy sẵn có trong máu. Điều này có thể ảnh hưởng đến hóa chất truyền tín hiệu giữa các tế bào não.
Lan Thu
 (Theo Healthdaynews, 1/2013)

Cuba bào chế thành công vắcxin phòng ung thư phổi

Cuba bào chế thành công vắcxin phòng ung thư phổi 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: sdirad.com).
Trung tâm Miễn dịch học Phân tử Cuba (CIM) ngày 31/12 thông báo đã bào chế thành công một loại vắc xin mới phòng ung thư phổi.

Theo nhà nghiên cứu Ana Maria Vakết (Ana Maria Vazquez) thuộc CIM, vắcxin còn có tên gọi Racotumomab này đã được thử nghiệm lâm sàng trong suốt năm nay và minh chứng khả năng tăng cường tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư, cũng như cho thấy khả năng an toàn và mức độ chịu được thuốc. 

Vắcxin mới này giúp chống ung thư biểu mô phổi bằng việc thúc đẩy tiêu diệt các tế bào ung thư và hạn chế sự xuất hiện khối u.

Racotumomab là dòng vắc xin thứ hai mà CIM phát triển nhằm ngăn chặn bệnh ung thư phổi, sau dòng CIMAvax EGF đã được minh chứng hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân ung thư ở Cuba.

Ung thư phổi là dạng ung thư phổ biến thứ hai ở Cuba với khoảng 5.000 ca ở giai đoạn tiền mắc căn bệnh này.
 
Theo TTXVN

Giảm hưng phấn tình dục vì hen suyễn

Nghiên cứu của TS. Ilan H. Meyer Trường ĐH Columbia và Bệnh viện Harlem (New York) phát hiện, có 2/3 bệnh nhân tham gia thử nghiệm cho biết, họ phải chịu đựng những hạn chế về tình dục có liên quan đến hen suyễn. Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 19% cặp vợ chồng vượt qua sự cố này và 47% cho biết, họ vẫn gặp một số hạn chế có mức độ và hoàn toàn bị trở ngại do hen suyễn, chỉ có 34% không bị ảnh hưởng bởi hen suyễn. Những trở ngại về hô hấp mạn tính dẫn đến bệnh hen suyễn khó kiểm soát. Nó góp phần làm suy giảm sức khỏe tình dục và chất lượng cuộc sống. Tiếp xúc nhiều với những tác nhân gây dị ứng từ chỗ ngủ có thể làm cho bệnh thêm trầm trọng. Vì thế, kiểm soát tốt bệnh sẽ cải thiện chức năng tình dục của bệnh nhân và những viễn cảnh của cuộc sống.   

Hoàng Yến (Theo Thirdage, 12/2012)

Ngừa bệnh hô hấp nhờ bông cải

Nghiên cứu của các nhà khoa học Trường ĐH California, Los Angeles (UCLA) thì, những thành phần tự nhiên có trong bông cải và các loại rau họ cải khác có thể giúp chống lại tình trạng viêm đường hô hấp, là nguyên nhân gây ra những căn bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hóa chất sulforaphane có trong bông cải gây nên tình trạng gia tăng các enzym kháng ôxy hóa trong hệ hô hấp của con người, có khả năng chống lại sự tấn công của các gốc tự do mà chúng ta hít thở mỗi ngày trong không khí bị ô nhiễm, phấn hoa, khí thải diesel và khói thuốc lá. Chính sự quá tải này là nguyên nhân làm cho các mô bị ôxy hóa đồng thời dẫn đến những bệnh lý viêm tấy và hô hấp.
 
Ngừa bệnh hô hấp nhờ bông cải 1
Ngoài ra, mầm giá từ bông cải cũng là nguồn tác động sinh học hữu hiệu trong việc kích thích sự đáp ứng đối với cơ thể con người nhằm chống lại hiện tượng viêm tấy và có thể gây ra những bệnh lý tiềm ẩn khác có liên quan đến hệ hô hấp. Trong mầm bông cải có chứa hai loại enzyme kháng ôxy hóa là GSTP1 và NQO1. Chức năng của sulforaphane giúp gia tăng các enzyme kháng ôxy hóa trong cơ thể, có tác động kép trong việc loại bỏ những tác nhân có hại trong không khí ô nhiễm. 
THÙY NHƯ (Theo Medicalnews,)

Tìm ra nguyên nhân gây tăng áp lực động mạch phổi

(SKDS) - Mỗi năm ở Pháp có khoảng 600 người mắc mới bệnh tăng áp lực động mạch phổi. Bất chấp các liệu pháp điều trị, bệnh vẫn diễn tiến rất xấu. Nguyên nhân gây bệnh lâu nay vẫn còn là một ẩn số cho đến khi nhóm nghiên cứu do TS. Luc Maroteau thuộc Viện Nghiên cứu Inserm, Pháp, làm sáng tỏ cơ chế gây bệnh.
 
Thật bất ngờ, nguyên nhân gây bệnh lại nằm ở tủy xương - tại đây các thụ thể của hormon serotonin đã tạo ra sự biến đổi các tế bào gốc. Chính sự biến đổi tế bào gốc này đã gây ra dị dạng cấu trúc mạch máu phổi. Sự khám phá này đã đánh đổ quan niệm lâu nay cho rằng tế bào gốc luôn luôn hữu ích đối với cơ thể con người. Thật vậy, cho đến tận bây giờ, các nhà nghiên cứu vẫn chỉ chú tâm vào hai lá phổi. Phát hiện mới này đã mở ra một hướng điều trị hoàn toàn mới.       
BS. NGUYỄN VĂN THÔNG (Theo Science&Vie)

Thử nghiệm thành công vắc-xin phòng chống hen phế quản

(SKDS) - Các nhà nghiên cứu vừa mới thử nghiệm thành công một loại vắc-xin phòng chống hen phế quản. Cuộc thử nghiệm được tiến hành trên chuột bị dị ứng với bọ ve cho thấy vắc-xin có thể ngăn chặn phản ứng dị ứng và làm giảm rõ rệt các triệu chứng của bệnh. Một loại vắc-xin có khả năng giải nhạy cảm bền vững đối với cơ thể chỉ sau vài lần tiêm quả là một niềm hy vọng lớn đối với 300 triệu người bị hen phế quản trên toàn thế giới. Trong những cuộc thử nghiệm đầu tiên, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hô hấp Nantes, Pháp, đã nhắm vào một loại bọ ve gây hen phế quản thường gặp nhất ở châu Âu, đó là Dermatophagoides farinae.
 
Thành phần của vắc-xin bao gồm những phần tử của ADN, được mã hóa đối với kháng nguyên của bọ ve, được gắn trên các polyme. Các phân tử tổng hợp này được dùng như các chất trung gian vận chuyển ADN và tạo ra phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, thành công mới chỉ ở trên chuột trong khi phản ứng miễn dịch giữa người và chuột hoàn toàn khác nhau. Và cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ được tiến hành trong năm nay và nếu thành công sẽ là niềm hy vọng lớn đối với bệnh nhân hen.
BS. NGUYỄN VĂN THÔNG(Theo Science&Vie, 2012)

Tắm nắng giúp trị bệnh lao

Theo các bác sĩ ở London, vitamin D có thể giúp cơ thể chống lại bệnh lao.
Một nghiên cứu được đăng tải trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẫn sẽ hồi phục nhanh hơn khi được điều trị kháng sinh kết hợp với vitamin.
Ý tưởng dùng vitamin D để trị bệnh lao bắt nguồn từ các phương pháp trị liệu ban đầu cho các bệnh nhân bị nhiễm trùng phổi. Trước khi biết tới việc sử dụng thuốc kháng sinh để trị bệnh lao, bệnh nhân lao được yêu cầu phải tắm nắng.
Vitamin D có thể giúp bệnh nhân lao hồi phục nhanh hơn. Ảnh: BBC.
Phương pháp này được gọi là nhật quang liệu pháp. Tuy nhiên, liệu pháp này đã biến mất khi thuốc kháng sinh chứng minh được hiệu quả trong việc điều trị căn bệnh này.
Gần gây, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu 95 bệnh nhân, áp dụng phương pháp kết hợp thuốc kháng sinh và vitamin D. Kết quả rất khả quan. Bệnh nhân phục hồi nhanh hơn gần hai tuần. Những bệnh nhân dùng phác đồ điều trị này chỉ mất 23 ngày để phục hồi, trong khi các bệnh nhân khác mất tới 36 ngày.
"Điều này sẽ không thay thế thuốc kháng sinh, nhưng nó có thể là một liệu pháp bổ sung, giúp bệnh nhân lao nhanh chóng hồi phục”, tiến sĩ Adrian Martineau, từ Đại học Queen Mary ở London, nói với BBC.  
Đây là một nghiên cứu đầy hứa hẹn nhưng cần thêm nhiều bằng chứng mạnh hơn. Các nhà khoa học cũng cho biết họ sẽ tiếp tục tiến hành thử nghiệm nhiều hơn, để xem xét liều lượng vitamin D như thế nào là tốt nhất và loại vitamin D nào là phù hợp nhất. Phương pháp này cũng được cho là có thể áp dụng để trị các bệnh khác như viêm phổi.
Giáo sư Peter Davies đánh giá phát hiện là "xuất sắc" và vitamin D có thể đóng một vai trò quan trọng trong điều trị bệnh lao. Ông cũng cho rằng có thể vitamin D có một vai trò lớn hơn trong việc ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh này.
Nếu phương pháp này được chứng minh rõ hơn, nó sẽ là một cuộc cách mạng lớn trong ngành y tế, nhất là khi nhiều bệnh nhân lao có biểu hiện kháng thuốc.
Theo Vietnamnet/ BBC

Phương pháp mới phát hiện sớm ung thư phổi

 Tại Hội nghị khoa học lần thứ 3 về Ung thư phổi của Hiệp hội Ung thư phổi châu Âu được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), các nhà khoa học đã trình làng ba kỹ thuật mới và sáng tạo có thể phát hiện sớm ung thư phổi. Kỹ thuật này rất thú vị vì nguyên lý và sự đơn giản đến ngạc nhiên.
Chụp đa góc kỹ thuật số
Kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số là một kỹ thuật mới để chụp ngực phát hiện sớm ung thư phổi. Thực chất đây là kỹ thuật chụp và tổng hợp nhiều hình ảnh X quang của kỹ thuật chụp X quang thông thường và tổng hợp nên hình ảnh không gian 3 chiều của phổi.
Tuy nhiên, kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số khác xa với kỹ thuật chụp X quang ngực thông thường. Chụp X quang ngực thông thường chỉ cho ra hình ảnh trước - sau của ngực hay là hình ảnh bên - bên. Hình ảnh thu được chỉ là một mặt phẳng. Nhưng kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số dùng nhiều tia X quang chụp ở các góc độ khác nhau và chúng được dùng để tái tạo hình ảnh không gian. Hình ảnh thu được là hình ảnh có hình khối và rất dễ quan sát.
Kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số gần giống như kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (chụp CT). Chúng chỉ khác nhau là các góc chụp của kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số thường nhỏ hơn 360o còn trong chụp CT góc chụp là 360o.
Kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số có giá trị rất cao trong phát hiện ung thư phổi. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và ứng dụng thử. Kết quả từ Trung tâm Phẫu thuật lồng ngực (Bệnh viện S. Croce e Carle, Italia) cho thấy, họ đã phát hiện được 268 người có bất thường ở phổi trong 1.500 trường hợp. Những người này trước đó đều bình thường. Trong số 268 người được theo dõi, có 16 người bị ung thư. Tỷ lệ phát hiện sớm ung thư phổi là 1,07%, tương đương với kết quả thu được từ chụp CT.
Điều đáng nói là kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số chỉ mất có 11 giây để thực hiện. Điều đó cho thấy tính tiện dụng và nhanh chóng của kỹ thuật mới mẻ này. Và giá thành của nó so với chụp CT thì thấp hơn rất nhiều lần. Cùng một kết quả, giá thành hạ hơn, tốc độ nhanh hơn, kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số đang được hy vọng là kỹ thuật mới thường quy hơn để theo dõi và phát hiện sớm ung thư phổi.
Xét nghiệm tìm protein BARD1
BARD1 là một protein của khối ung thư phổi. Bình thường nồng độ protein này trong máu không có hoặc rất thấp. Khi có ung thư phổi, nồng độ của chất này tăng lên cao. Xét nghiệm tìm ra loại protein này chứng tỏ trong cơ thể bệnh nhân đang có khối ung thư phổi phát triển.
Vậy là, chỉ cần dùng một xét nghiệm để phát hiện protein này thì coi như chúng ta có thể sàng lọc ung thư phổi khá tốt. Kỹ thuật xét nghiệm này dựa trên nguyên lý kháng nguyên kháng thể. Các kháng thể sẽ gắn vào phân tử BARD1 và chúng ta chỉ cần phát hiện ra kháng thể này là xong.
BARD1 có hai dạng đặc biệt là BARD1 beta và BARD1 pi. Hai dạng này có mối liên quan mật thiết không những với ung thư phổi mà còn với mức độ ác tính của bệnh.
Thử nghiệm giá trị của xét nghiệm này, các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Geneva cho biết, họ phát hiện được nhiều bệnh nhân ung thư phổi từ 100 bệnh nhân. Độ nhạy của xét nghiệm là 87% và độ đặc hiệu là 68%.
 Bard1 - một protein của khối ung thư phổi.
“Mũi nhân tạo” ngửi ung thư
Một vi mũi nhân tạo siêu nhỏ cỡ nano có khả năng bắt chước hệ thống khứu giác của người được ứng dụng để “ngửi” tìm ung thư phổi. Chiếc “mũi nhân tạo” này được phát triển bởi một nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Israel.
Nguyên lý hoạt động của “mũi nhân tạo” là ngửi và dò tìm ra các chất hữu cơ dễ bay hơi tồn tại trong hơi thở của người. Vì người ta cho rằng người bình thường, khí thở ra là “lành mạnh” khác xa với người ung thư phổi khí thở ra có mùi bệnh lý. Đó là vì trong hơi thở của bệnh nhân có lẫn các tạp chất hữu cơ dễ bay hơi. Chiếc “mũi nhân tạo” chỉ việc phát hiện ra các hợp chất này thông qua bộ cảm biến đặt ngang với dòng khí thở ra, sau đó gửi mẫu phân tích đến bộ phân tích và sẽ cho kết quả bất thường.
Đây quả là thành tựu đáng chú ý, mặc dù nó được xây dựng ý tưởng từ năm 2007. Nó là một kỹ thuật phát hiện các tín hiệu ung thư sớm nhất bằng một kỹ thuật không xâm lấn. Nó thực sự có ý nghĩa nếu đạt được độ tin cậy chẩn đoán.
Để thử xem liệu chiếc “mũi nhân tạo” này có hiệu quả hay không, người ta tiến hành trên những bệnh nhân bị ung thư phổi thực sự. 74 bệnh nhân có hạch ở phổi được đưa vào đánh giá thăm dò. Kết quả cho thấy, chiếc “mũi nhân tạo” có thể phát hiện chính xác 88% những hạch ác tính. Nó có thể phân biệt được đâu là khối u lành tính và đâu là khối u ác tính. Độ nhạy của thiết bị này dao động từ 86 - 88% và độ đặc hiệu đạt 93%. Một con số cực kỳ cao và ấn tượng cho việc dò tìm các tín hiệu ung thư sớm.
NamPhong

(Theo European Society Medical Oncology)

Chữa viêm phế quản mạn tính bằng châm cứu

Hơn 3 triệu người Pháp mắc bệnh viêm phế quản mạn tính (tắc nghẽn đường hô hấp mạn tính COPD), 80% bệnh lý có liên quan đến thuốc lá. Cách chữa trị chủ yếu là sử dụng thuốc giãn phế quản, kháng viêm, vật lý trị liệu, thậm chí thông khí hỗ trợ và phải ngưng hút thuốc lá. Một nghiên cứu tiến hành tại Nhật và đăng tải trên Tạp chí “Archives of Internal Medicine” cho biết, bằng cách làm thông những tắc nghẽn nguồn năng lượng chủ yếu thông qua phổi, châm cứu giúp bệnh nhân thở tốt hơn.
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Theo tiến sĩ chuyên khoa về phổi Yves Grillet, tuy giải pháp này cần được nghiên cứu thêm trong thời gian dài, nhưng nó có thể giúp ích nhiều cho bệnh nhân. Qua điều trị ban đầu, những bệnh nhân cảm thấy có sự cải thiện rõ rệt về chất lượng sống. Các nhà nghiên cứu hy vọng, giải pháp này được đầu tư nghiên cứu thêm trong thời gian tới.
Hoàng Yến (Theo Femme Actuelle, )

Xoa bóp chữa viêm mũi mạn tính


Vị trí huyệt
Nghinh hương: Cạnh cánh mũi, trên rãnh mũi má, cách cánh mũi 0,5 tấc.
Tị thông: Nằm sát phía bên trên hai cánh mũi.
Ấn đường: Tại điểm giữa hai đường nối đầu trong lông mày.
Thái dương:Chỗ lõm giao điểm của đuôi mắt với khóe ngoài mắt.
Phong trì:  Tại bờ xương chẩm, chỗ lõm sau tai.
Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.
Viêm mũi mạn tính là một bệnh rất phổ biến ở nước ta. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị có thể gây nhiều chứng bệnh khác như hen phế quản, viêm phổi, viêm phế quản cấp và mạn tính...
Bệnh viêm mũi mạn tính chia làm 3 dạng:
Giai đoạn xung huyết đơn thuần: Ngạt mũi liên tục cả đêm lẫn ngày, xuất tiết ít, khám niêm mạc mũi cuốn mũi to, đỏ, đôi khi tím.
Giai đoạn xuất tiết: Chảy nước mũi là dấu hiệu đặc trưng, nhầy hoặc mủ, chảy hàng tháng, ngạt mũi thường xuyên, giảm hoặc mất khứu giác. Niêm mạc mũi phù nề nhợt nhạt, cuốn mũi nề mọng. Sàn mũi và các khe có chất xuất tiết ứ đọng.
Giai đoạn quá phát: Niêm mạc cuốn dưới quá sản, tắc mũi liên tục, ngày càng tăng, người bệnh nói giọng mũi kín, thở bằng miệng nên thường kèm viêm họng mạn tính, giảm hoặc mất khứu giác, nước mũi chảy ít dần, cuốn mũi dưới quá phát gần sát vách ngăn, cứng sần sùi, màu xám nhạt.
Theo Đông y, viêm mũi mạn tính thuộc phạm vi chứng tỵ trất, do nhiều nguyên nhân gây nên như phế khí hư yếu, tỳ khí suy nhược... khiến cho hàn tà xâm nhập, gây trở ngại tỵ khiếu lạc mạch mà tạo thành bệnh. Đối với trường hợp viêm mũi mạn tính dạng xung huyết đơn thuần, Đông y có rất nhiều biện pháp như châm cứu bấm huyệt, thuốc uống, xông... trong đó xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp đơn giản, người bệnh có thể tự thực hiện. Sau đây xin giới thiệu các huyệt vị cần day bấm để chữa viêm mũi:
Day bấm huyệt nghinh hương: Dùng đầu ngón tay giữa day bấm vào huyệt nghinh hương ở hai bên lỗ mũi trong 1 – 2 phút, khi thấy cay cay sống mũi là được.
Day bấm huyệt tỉ thông: Dùng đầu ngón trỏ day ấn huyệt tỉ thông trong 1 – 2 phút.
Day bấm huyệt ấn đường: Dùng ngón cái day ấn huyệt ấn đường trong 1 – 2 phút.
Dùng ngón trỏ và ngón cái ấn véo hai bên sống mũi (gần khóe mắt) khoảng 1 – 2 phút, cảm giác tại chỗ hơi đau là được.
Dùng gồ ngón tay cái day hai bên sống mũi tới huyệt nghinh hương, day đi day lại khoảng 1 phút, thấy ấm nóng tại chỗ là được.
Day ấn huyệt phong trì: Dùng ngón tay cái hai tay day ấn huyệt phong trì mỗi bên 1 – 2 phút.
Xát thái dương: Hai bàn tay đặt vào hai bên má, xát nhanh tới huyệt thái dương. Lặp lại trong 2 phút.
Véo huyệt hợp cốc: Dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nắm véo huyệt hợp cốc mỗi bên 5 – 10 lần.
Lưu ý: - Tránh bị nhiễm lạnh, nên tiêm vaccin phòng bệnh cúm. Đeo khẩu trang khi ra ngoài trời và khi phải tiếp xúc với người bị ho hoặc hắt hơi. Tránh khói bụi và thuốc lá, cần có chế độ phòng hộ khi làm việc ở các nhà máy hóa chất.
- Nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể, tránh dùng các chất kích thích, gia vị cay nóng.
- Điều trị sớm khi bị cảm cúm, viêm mũi,  xoang, vẹo vách ngăn mũi. Đối với trường hợp viêm mũi mạn tính dạng xuất tiết và quá phát cần kết hợp dùng thuốc theo y học hiện đại.
  Lương y  Đình Thuấn

Mắc bệnh nan y vì... viêm lợi

Bấy lâu nay, người ta vẫn coi thường căn bệnh viêm lợi vì cho rằng đó là bệnh thường gặp, chẳng ảnh hưởng gì nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, viêm lợi có thể là khởi nguồn dẫn đến một loạt các căn bệnh nan y nguy hiểm khác như đau tim, đột quỵ, viêm tắc thành mạch, viêm phổi, tiểu đường, thiểu năng não, thậm chí cả ung thư!
Không thể coi thường các bệnh về lợi - đó là khẳng định của nhiều bác sĩ và nha sĩ giàu kinh nghiệm. Các nghiên cứu được tiến hành trong vòng 5 năm gần đây đã chỉ ra rằng, sự viêm nhiễm phần miệng cũng có thể làm gia tăng rủi ro cho những người chuẩn bị lên bàn phẫu thuật như ghép thận, thay van tim. Bởi, “vi khuẩn ở các ổ viêm lợi hoàn toàn có thể theo máu đi tới các bộ phận khác của cơ thể để gây tai họa, phá hỏng hiệu quả của các ca phẫu thuật, khiến các vết thương phẫu thuật lâu liền...” - TS. Salomon Amar - tiến sĩ nha khoa thuộc ĐH Boston (Mỹ) lý giải. Theo khảo cứu của nhóm bác sĩ Đại học Boston thì có khoảng 20% các ca ghép tạng không thành công có liên quan đến virut Cytomegalia, mà ổ của virut này là viêm lợi mạn tính. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đã lưu ý các bác sĩ rằng, trước khi tiến hành ghép tạng cần yêu cầu bệnh nhân đi khám nha khoa và điều trị dứt điểm viêm lợi nếu có.
Trong một diễn biến khác, tạp chí Journal of Periodontology mới đây vừa công bố 2 nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học thuộc Đại học Nam California (Mỹ) cho thấy: đã phát hiện các vi khuẩn gây viêm lợi nằm trong động mạch của những bệnh nhân đau tim và trong nhau thai ở những phụ nữ bị huyết áp cao lúc mang thai. Ngoài ra, các khảo cứu tại Italia vài năm trước đây và tại Chile gần đây còn chỉ ra rằng: ở những người bị bệnh tiểu đường nếu có mắc thêm viêm lợi mạn tính thì rất khó chữa trị tiểu đường. Các chỉ số đường huyết gần như không đáp ứng với phác đồ điều trị. Và chỉ khi bệnh viêm lợi được điều trị dứt điểm thì bệnh tiểu đường mới thấy thuyên giảm.
 Cần lấy cao răng ít nhất 6 tháng một lần để phòng viêm lợi.
Ngọn nguồn của nhiều bệnh
Theo số liệu của TS. Salomon Amar, có tới 50 - 70% người dân Mỹ bị viêm lợi mạn tính. Trong số đó, khoảng trên 10% bị viêm lợi ở mức độ nghiêm trọng, làm thay đổi các cấu trúc của lợi. Tuy nhiên, mọi người thường coi nhẹ và bỏ qua căn bệnh này. “Ngoài việc thường thấy hiện tượng chảy máu chân răng, viêm lợi không gây đau đớn, ít khi có những biểu hiện khác và không đe dọa tính mạng con người. Chính vì thế, nó không được coi là một bệnh có tác động tiêu cực tới sức khỏe - đó là một sai lầm của y học” - TS. Amar phát biểu. Ngày nay, nhiều nhà khoa học đã phải thừa nhận rằng, viêm lợi mạn tính có tác động khá lớn, có thể làm tổn thương các bộ phận khác của cơ thể và gây ra nhiều bệnh nan y nguy hiểm.
Các khảo cứu tiến hành tại Anh với sự tham gia của nhiều nhóm bệnh nhân còn cho thấy, những người bị viêm lợi mạn tính thường xuyên bị bệnh tim mạch hơn 68% so với những người không bị viêm lợi. Nguyên nhân được xác định là những chất xuất tiết từ vi khuẩn viêm lợi đã nhiễm vào đường máu, gây tắc động mạch và huyết khối, dẫn đến đau tim và đột quỵ. Theo các nhà khảo cứu, các độc tố từ viêm nhiễm lợi - ngoài ảnh hưởng tiêu cực tới thành mạch, còn có thể vào gan qua đường lưu thông máu, khiến gan giải phóng loại protein creactiv, mà đây là tác nhân gây lên tình trạng viêm động mạch.
Vì sao viêm lợi dẫn đến các bệnh nan y nguy hiểm? Đó là do các vi khuẩn xuất phát từ viêm lợi đã giải phóng độc tố, khiến hệ miễn dịch của cơ thể đối phó bằng cách tiết ra hợp chất cytokina. Hàm lượng cytokina quá cao trong cơ thể sẽ làm gia tăng khả năng viêm nhiễm và làm tổn thương các mô trong toàn bộ cơ thể. Hiện tượng này, cho đến nay - được coi là một trong những nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, thiểu năng não, một số bệnh ung thư... và các rắc rối khi mang thai ở phụ nữ. “Viêm lợi mạn tính là ngọn nguồn sinh ra những hợp chất gây tổn thương các mô” - ông Preston D.Miller, Chủ tịch Viện Nha khoa Mỹ khẳng định.
Để phòng ngừa có hiệu quả bệnh viêm lợi, các bác sĩ Viện Răng hàm mặt Ba Lan khuyên rằng: Cần đánh răng thường xuyên với thuốc đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Nên thường xuyên bổ sung nguồn vitamin C và PP vì 2 loại vitamin này có tác dụng quan trọng trong việc ngăn ngừa viêm lợi. Cứ 6 tháng một lần, nên đến nha sĩ để lấy cao răng.

Minh Giang(Theo The Family doctor)

Tránh lạm dụng kháng sinh khi viêm họng

Có đến 70% số người phàn nàn vì đau họng được khuyên dùng kháng sinh, mặc dù chỉ 5-15% người lớn mới thực sự cần đến thuốc. Đáng nói là hầu hết bệnh viêm họng do virus gây ra và thuốc kháng sinh không mấy tác dụng trong những trường hợp này, trong khi có nhiều cách đơn giản và tự nhiên để điều trị đau rát họng. 

Khi nào cần thuốc?
Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA) giữa tháng9-2012 cho biết, khoảng 15 triệu người ở Mỹ đến gặp bác sỹ vì bệnh viêm họng mỗi năm và có tới 70% trong số họ được kê dùng thuốc kháng sinh. Mặc dù vậy, thực tế số người bị viêm họng do liên cầu khuẩn chiếm tỉ lệ nhỏ hơn rất nhiều: khoảng 20-30% trẻ em và 5-15% người lớn.

IDSA khuyến cáo, mọi người chỉ nên dùng thuốc kháng sinh nếu bị viêm họng liên cầu khuẩn (do vi khuẩn streptococcus gây ra) và điều này cần phải được chẩn đoán, xét nghiệm cụ thể. Theo đó, những người có xét nghiệm dương tính với liên cầu khuẩn cần phải được chữa trị bằng thuốc penicillin hoặc amoxicillin nếu cần thiết. Cần tránh sử dụng các thuốc kháng sinh azithromycin và cephalosporin trong trường hợp này vì vi khuẩn streptococcus đang ngày càng có khả năng kháng thuốc. 

Tuy nhiên, làm thế nào để phân biệt viêm họng do virus hay do liên cầu khuẩn? Những dấu hiệu cho thấy viêm họng do virus là ho, chảy nước mũi, khàn giọng hoặc loét miệng… Trong khi đó, viêm họng nhiều khả năng do liên cầu khuẩn streptococcus gây ra nếu cơn đau xuất hiện đột ngột kèm cảm giác đau khi nuốt và người bệnh bị sốt mà không có các triệu chứng của cảm cúm thông thường. 

Trẻ em dưới 3 tuổi thường không bị viêm họng do liên cầu khuẩn streptococcus. Các chuyên gia y tế Hoa Kỳ cũng đề xuất không nên cắt amiđan cho trẻ em hay bị viêm họng, ngoại trừ những trường hợp vô cùng đặc biệt, ví dụ như đứa trẻ bị nghẽn đường thở, vì việc phẫu thuật chứa đựng nhiều rủi ro hơn là ích lợi.

Giải pháp tự nhiên
Không khí khô, thời tiết chuyển mùa có thể gây viêm họng nhưng nhiều “bài thuốc” có thể tìm thấy trong chính tủ bếp nhà bạn. Dưới đây là 3 cách để đối phó nếu cổ họng có cảm giác đau:

Làm dịu kích ứng: Giải pháp khắc phục hàng đầu là một thìa mật ong pha vào nước ấm với chanh. Nó giống như “khoác áo” cho chiếc họng bởi tác dụng làm dịu các kích ứng ở cổ. Một số thảo dược truyền thống khác cũng có tác dụng chống viêm.

Rửa sạch họng. Súc miệng bằng nước muối rất hiệu quả trong việc cắt giảm viêm họng, khi mà tác nhân chủ yếu do không khí khô hoặc dị ứng. 

Ngăn chặn tái phát. Phòng ngừa là liều thuốc tốt nhất cho bệnh viêm họng do kích thích hoặc nhiễm virus. Ví dụ, nếu bạn thấy cổ họng đau vào buổi sáng, nguyên nhân có thể bạn thở qua đường miệng ban đêm hoặc do trào ngược acid trong khi ngủ. Cách khắc phục là tạo thêm độ ẩm không khí trong phòng ngủ hoặc gối đầu lên hơi cao để có thể ngăn ngừa bệnh viêm họng do trào ngược. 

Tóm lại, dù bạn làm gì cũng đừng bỏ qua triệu chứng đau họng kéo dài hơn 1 tuần hoặc đau nhức đến khó nuốt, vì đó có thể là một dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, một lời khuyên khác là bất kỳ người hút thuốc lá nào bị đau họng dai dẳng cũng cần đến gặp bác sĩ.
 
Theo An ninh Thủ đô /Foxnews/Prevention

Nguy cơ trẻ mắc hen suyễn do mẹ thừa cân

 Một nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển cho biết: Thai phụ bị béo phì sinh con dễ mắc bệnh hen suyễn hơn so với người mẹ có cân nặng bình thường. Thử nghiệm trên 129.000 người mẹ sống tại thủ đô Stockholm và 189.000 đứa con của họ phát hiện, những người mẹ béo phì hoặc có chỉ số cơ thể BMI ở mức >35 thì những đứa con của họ có nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn chiếm tỉ lệ 61% vào giữa giai đoạn trẻ từ 8 - 10 tuổi.
Tác giả nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu trẻ em Murdoch và Trường ĐH Melbourne (Úc), ông Adrian Lowe nhận định: Có sự gia tăng rõ rệt giữa nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ, việc uống thuốc và thời gian nằm viện cùng mức độ gia tăng của bệnh béo phì và thừa cân ở người mẹ vào giai đoạn đầu của thai kỳ. Cũng theo ông Lowe: Mẹ béo phì gia tăng đứa con cũng có nguy cơ bị béo phì, điều này ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và có liên quan đến dị ứng. Vì thế, những chiến dịch chống béo phì, thừa cân là nhận thức đầu tiên có những tác động hữu hiệu đối với bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ.
Hoàng Yến (Theo Healthnews)

Những quan niệm không đúng về bệnh cúm

Cúm và cảm lạnh rất dễ xảy ra dưới tác động của nhiều yếu tố như: thời tiết thay đổi, sự tấn công của virut, sự lây nhiễm từ những người bệnh khác… Việc phòng ngừa và ngăn chặn cúm, cảm lạnh cũng như hạn chế các triệu chứng là việc cấp thiết, song đôi khi chúng ta lại rất dễ mắc sai lầm.
Kiêng sữa khi bị cảm cúm
Không ít người cho rằng nên kiêng uống sữa và ăn các sản phẩm từ sữa khi bị cảm cúm, bởi sữa giàu protein sẽ kích thích sản sinh ra nhiều dịch nhờn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các sản phẩm từ sữa không kích thích sản sinh chất nhờn trong cơ thể, thậm chí sữa còn giúp làm dịu và giảm bớt các cơn ho do cảm lạnh. Ngoài ra, cần bổ sung thêm sữa để cung cấp năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
 Tiêm phòng cúm không giúp phòng được mọi loại virut cúm.
Cúm do ăn các thực phẩm từ lợn?
Khi chủng cúm H1N1 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2009, nó được gọi là cúm lợn bởi virut cúm được phát hiện trên loài lợn. Rất nhiều người nghĩ rằng họ đã bị mắc cúm từ lợn, bởi vậy, họ ngừng ăn các sản phẩm từ thịt lợn để tránh bị mắc cúm. Đã có thời tại một số quốc gia trên thế giới, người nông dân điêu đứng vì thịt lợn bị tẩy chay do cúm lợn. Tuy nhiên, H1N1 chỉ đơn giản là một trong số rất nhiều loại virut cúm và cơ chế lây cúm lợn cũng giống như các loại virut cúm khác, đó là thông qua đường hô hấp. Việc cách ly lợn, không ăn thịt lợn chỉ giúp ngừa được một loại virut H1N1 mà thôi. Thậm chí nếu thịt lợn được chế biến cẩn thận và nấu chín kỹ thì bạn cũng khó có thể mắc cúm.
Tiêm phòng cúm giúp phòng mọi loại virut cúm
Tiêm phòng cúm là một trong những cách hạn chế cúm, song không phải là cách ngăn chặn cúm tuyệt đối. Việc tiêm phòng cúm chỉ đơn giản là tiêm vào cơ thể một loại virut cúm đã bị làm yếu hoặc đã bị tiêu diệt không có khả năng gây bệnh, nhưng hệ miễn dịch của chúng ta có thể nhận biết chúng và hoạt động hiệu quả hơn khi gặp phải virut cúm đó. Tuy nhiên, nếu tiêm phòng cúm, bạn vẫn có thể bị mắc cúm do bị nhiễm nhiều loại virut cúm khác. Hiện Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ đã phát minh ra một loại vaccin phòng cúm mới với tên gọi flumist. Loại vaccin này có mang chủng virut cúm còn sống và điều này mang lại hi vọng phòng cúm hiệu quả hơn so với các loại vaccin khác. Tuy nhiên, flumist vẫn cần thời gian để được kiểm chứng.
 Lá tía tô dùng xông hơi chữa bệnh cảm cúm.
Cảm cúm cần điều trị bằng kháng sinh
Thông thường, kháng sinh được dùng để điều trị phần lớn các bệnh, chủ yếu là các chứng nhiễm khuẩn. Nhiều người nhầm lẫn khi sử dụng kháng sinh để điều trị cúm và cảm lạnh, trong khi đó, cảm cúm và cảm lạnh phần lớn là do virut gây ra. Bởi vậy, người bị mắc cúm hoặc cảm lạnh không cần phải dùng đến kháng sinh. Các bác sĩ chỉ kê đơn thuốc kháng sinh cho người bị nhiễm cúm hoặc cảm lạnh khi họ bị mắc kèm các triệu chứng như viêm họng, viêm phổi, viêm xoang hoặc nhiễm trùng tai…
Cúm có nghĩa là hệ miễn dịch đang bị suy yếu
Không ít người nghĩ rằng mắc cúm là do hệ miễn dịch của chúng ta bị suy yếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp khỏe mạnh cũng bị mắc cúm. Đơn giản chỉ vì họ đã bị nhiễm virut cúm và điều này không liên quan gì đến việc hệ miễn dịch khỏe hay yếu. Việc nhiễm virut cúm chủ yếu qua đường hô hấp, qua mắt, mũi, miệng hay những khu vực bị viêm nhiễm… Khi hệ miễn dịch yếu, quá trình phát bệnh diễn ra nhanh hơn.
 Cúm có nghĩa là hệ miễn dịch đang bị suy yếu do bị virut cúm tấn công.
Virut cúm chỉ lây qua đường không khí
Mặc dù virut cúm chủ yếu lây lan qua đường không khí, do hít phải không khí có virut cúm hoặc tiếp xúc với người bị mắc cúm... Tuy nhiên, đôi khi việc nhiễm virut cúm cũng rất đơn giản, bạn chạm phải đồ vật mà trên bề mặt có nhiễm khuẩn hoặc những nơi công cộng mà nhiều người thường chạm tới chẳng hạn như mặt bàn, điện thoại công cộng, bàn phím máy tính… Virut gây bệnh có thể bám từ tay bạn và nhiễm vào mắt, mũi, miệng…
Trong mùa cúm, chỉ mắc cúm một lần
Không ít người nghĩ rằng: trong mùa cúm, nếu đã bị nhiễm cúm một lần thì cơ thể sẽ miễn dịch với cúm và sẽ không bị mắc lại nữa. Không may là điều này không là đúng bởi cúm có rất nhiều chủng loại khác nhau. Nếu trong mùa cúm, bạn đã bị nhiễm loại cúm này thì bạn vẫn có thể bị nhiễm lại một loại cúm khác hoặc chính loại virut cúm lần trước nếu hệ miễn dịch của bạn không tốt.

       Minh Ngọc (Theo MSNBC)

Bỗng dưng muốn... ngáp

Hãy thử để ý một lần trong lớp học, trong phòng hội họp, nếu bạn vô tình ngáp một cái thì sẽ có bao nhiêu người ngáp theo bạn. Trước khi bạn đọc hết bài viết này, bạn cũng sẽ... ngáp ít nhất một lần.
Không phải bài viết này cố ý gây nhàm chán cho bạn nhưng sự thật là đọc những câu chuyện viết về ngáp sẽ khiến cho bạn... ngáp. Cũng như khi bạn nghe hoặc thấy người ta ngáp, bạn cũng sẽ ngáp theo.
Vì sao chúng ta ngáp?
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thiết về nguyên nhân gây ngáp và có 3 giả thuyết được xem là phổ biến nhất.
Giả thuyết thứ nhất là thuyết sinh lý học theo đó cơ thể chúng ta ngáp để lấy thêm oxygen (O2) và thải ra bớt khí carbonic (carbon dioxide - CO2). Giả thuyết này cũng giải thích hiện tượng tại sao người ta ngáp trong nhóm đông người như hội họp, hội nghị, rạp hát... Vì trong phòng càng đông người thì sự tích lũy khí carbonic càng nhiều. Vì vậy người ta phải ngáp để đuổi ra khỏi cơ thể khí carbonic đồng thời lấy vào thêm mức oxygen. Giả thuyết kế theo là thuyết tiến hóa. Tổ tiên chúng ta ngáp nhằm để... khoe răng với mục đích dọa nạt kẻ thù… Giả thuyết cuối cùng là thuyết... chán nản: ngáp xảy ra khi người ta chán nản một điều gì đó.
Vai trò của sự ngáp
Ngáp sẽ giúp làm giãn phổi và các mô chung quanh nhằm ngăn chận sự “kẹt đường” của những ống khí nhỏ trong phổi. Điều này giải thích vì sao ngáp thường xảy ra vào thời điểm mà người ta có sự hít thở nông, chẳng hạn như khi mệt mỏi, hoặc khi vừa mới thức dậy.
Ngáp cũng sẽ cung cấp cho phổi một hóa chất gọi là surfactant. Đây là một chất lỏng bôi trơn được bao phủ trong những túi khí nhỏ trong phổi giúp những túi này rộng mở để lấy không khí. Surfactan rất quan trọng cho một đứa bé vừa lọt lòng mẹ có thể sống được khi bắt đầu cuộc sống mới ở bên ngoài môi trường tử cung. Điều này cũng giải thích vì sao bào thai ngáp trong quá trình phát triển. Đó là vì bào thai đang chuẩn bị để sử dụng phổi của chúng.
Do ngáp làm giãn các cơ, các khớp, làm tăng nhịp tim cho nên ngáp sẽ làm tăng sự tỉnh táo. Ngáp cũng là một dấu hiệu giúp người ta biết rằng cơn buồn ngủ sẽ ập đến. Vì vậy, cánh tài xế đường dài phải mau mau tìm một trạm dừng nào đó nghỉ ngơi chốc lát, bởi nếu không thì những tai nạn kinh hoàng sẽ là điều khó tránh.
Một điều lạ và thú vị là ngáp có thể... lây. Một người ngáp thì nhiều người khác sẽ ngáp theo. Nếu bạn xem một cảnh thấy ai đó ngáp, bạn cũng sẽ ngáp.
Ngáp bất thường là dấu hiệu bệnh?
Ngáp nhiều là một dấu hiệu của một hoặc nhiều chứng bệnh nào đó. Những người ngáp quá nhiều có thể bị “dính” các chứng như đa xơ (multiple sclerosis), bệnh Lou Gehrig (bệnh thoái hóa các thần kinh vận động của cột sống), bị nhiễm phóng xạ (cũng như trong quá trình điều trị bằng phóng xạ), bệnh Parkinson... Trong khi đó ngáp ít hơn bình thường lại xảy ra trên những người bị chứng tâm thần phân liệt. Nguyên nhân tại sao ngáp nhiều hơn hoặc ngáp ít hơn trong một số chứng bệnh thì vẫn chưa được biết rõ.
Nhiều thí nghiệm được tiến hành trên động vật và người cho thấy nếu kích thích điện ở một số vùng trong não thì sẽ kích thích sự ngáp. Một vài hóa chất trong não như dopamine và ACTH cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ngáp.
Hãy nhanh chân gõ cửa phòng mạch bác sĩ nếu bạn bỗng dưng ngáp liên tục và ngáp nhiều hơn bình thường, hoặc nếu ngáp nhiều kèm theo sự buồn ngủ dù là ban ngày.
DS. NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG
(Khoa Dược – ĐH murdoch – Úc)

Cơ hội điều trị hiệu quả cho bệnh nhân bị chít hẹp khí - phế quản

Vừa qua, tại Bệnh viện Quân đội 103, các bác sĩ Khoa Lao và bệnh phổi đã thực hiện thành công kỹ thuật đặt giá đỡ (đặt stent) khí phế quản cho một bệnh nhân hẹp khí quản. Đây là bệnh viện đầu tiên trong quân đội thực hiện thành công kỹ thuật này với chính nhân lực và trang bị hiện có.
Kỹ thuật đặt giá đỡ (còn gọi là đặt stent) khí phế quản là kỹ thuật tiên tiến để điều trị các trường hợp hẹp khí - phế quản do các nguyên nhân. Đây là một kỹ thuật cao trong chuyên ngành hô hấp, không những đòi hỏi trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y, bác sĩ mà còn phải có nhiều trang thiết bị y tế phức tạp và đồng bộ.
 
 Các thầy thuốc thăm khám cho bệnh nhân sau khi đặt stent khí quản.
Từ năm 2004, tại Khoa Lao và bệnh phổi - Bệnh viện 103 đã tiến hành kỹ thuật nội soi can thiệp và đặt giá đỡ phế quản cho một bệnh nhân hẹp phế quản do ung thư với sự hỗ trợ của chuyên gia người Pháp và sự phối hợp của các chuyên gia một số bệnh viện trong nước. Hiện tại, một số bệnh viện lớn trong nước như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai đã bước đầu triển khai thực hiện kỹ thuật này.
 
Sau một thời gian chuẩn bị về chuyên môn và trang bị, ngày 14/2/2012, Khoa Lao và bệnh phổi - Bệnh viện 103 đã thực hiện thành công kỹ thuật đặt giá đỡ cho bệnh nhân hẹp khí quản. Đây là bệnh viện đầu tiên trong quân đội thực hiện thành công kĩ thuật này với chính nhân lực và trang bị hiện có. Bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật là Lưu Viết Hợp (sinh năm 1989, quê xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội), có tiền sử chấn thương sọ não, hôn mê phải đặt nội khí quản thông khí nhân tạo.
 
 Hình ảnh hẹp khí quản trước đặt stent. - Hình ảnh nội soi khí quản sau đặt stent.
Sau đặt nội khí quản, bệnh nhân bị hẹp khí quản do sơ sẹo. Bệnh nhân thường xuyên có biểu hiện thở rít, khó thở, mệt, sức khỏe giảm sút nhanh, dễ bị nhiễm khuẩn đường thở, thường xuyên phải ngồi để thở. Khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện của suy hô hấp, làm các xét nghiệm nội soi và chụp cắt lớp vi tính thấy 1/3 trên của khí quản hẹp đồng tâm, mức độ hẹp chiếm 2/3 đường kính khí quản, đoạn hẹp dài khoảng 1,5cm, chỗ hẹp viêm nhiễm, tăng tiết dịch nhày.
 
Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ của Khoa Lao và bệnh phổi cùng các khoa liên quan: Hồi sức, Gây mê đã quyết định tiến hành nội soi phế quản, nong và đặt giá đỡ silicon phế quản. Ngày 15/2/2012, kỹ thuật đã được thực hiện cho bệnh nhân Hợp. Kíp kỹ thuật do các chuyên gia về hô hấp như: PGS.TS. Đỗ Quyết - Phó Giám đốc; PGS.TS. Nguyễn Huy Lực - Chủ nhiệm Bộ môn Khoa Lao và bệnh phổi; PGS.TS. Tạ Bá Thắng - Phó Chủ nhiệm khoa cùng các tiến sĩ, bác sĩ của Khoa Lao và bệnh phổi và Khoa Gây mê trực tiếp thực hiện. Trong quá trình tiến hành kỹ thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định.
 
Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân hết tình trạng khó thở, sinh hoạt bình thường và xuất viện. Việc tự đảm đương thực hiện kỹ thuật đặt giá đỡ khí - phế quản thành công tại Bệnh viện Quân đội 103 đã tạo cơ hội điều trị hiệu quả cho những người bệnh bị chít hẹp khí - phế quản do nhiều nguyên nhân (lành tính và ác tính) như các di chứng của các bệnh (ung thư, lao, dị vật, sau đặt nội khí quản, mở khí quản lâu ngày…). Sắp tới, Khoa Lao và bệnh phổi - Bệnh viện 103 sẽ có kế hoạch triển khai nhiều kỹ thuật nội soi phế quản, nội soi lồng ngực can thiệp để điều trị các bệnh hô hấp khác.