Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Mùa lạnh, lo bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe người bệnh, là một trong những bệnh gây tàn phế (suy hô hấp) và có tỉ lệ tử vong cao. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng mùa lạnh, bệnh rất dễ xuất hiện, tuy vậy, có thể phòng ngừa để hạn chế  sự có mặt của nó.
Đâu là nguyên  nhân?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng bệnh lý xảy ra ở phổi, làm tắc nghẽn lưu lượng khí thở ra thường xuyên, ngày một nặng thêm và khó hồi phục. Nguyên nhân gây bệnh COPD chủ yếu là do hút thuốc lá (có khoảng 5 người nghiện thuốc lá thì sẽ có 1 người mắc COPD) và có khoảng 80 - 90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá. Bên cạnh đó, các chất kích thích khác có thể gây COPD bao gồm cả khói xì gà, khói thuốc lào, khói của nhà máy, ô nhiễm không khí và khói hóa chất. Một số bệnh về phổi mạn tính kéo dài như viêm phế quản mạn tính (làm tăng sản xuất chất nhờn và có thể thu hẹp các ống phế quản), giãn phế quản, giãn phế nang, hen suyễn (gây co thắt của sợi cơ trong lớp màng của đường hô hấp: co thắt phế quản) cũng gây nên COPD. Một số trường hợp trào ngược dạ dày thực quản làm gia tăng thêm bệnh COPD hoặc tạo điều kiện cho COPD xuất hiện. Một số trường hợp hít phải khói thuốc một cách thường xuyên do người khác trong gia đình hút thuốc, một số trường hợp do nghề nghiệp tiếp xúc với bụi hoặc hóa chất thường xuyên gây kích ứng, viêm phổi, gây ứ đọng dẫn đến COPD.

 Đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân.
Đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân.
Không nên chủ quan với biểu hiện của bệnh
Triệu chứng của COPD phát triển chậm. Những triệu chứng đầu tiên có vẻ nhẹ, vì vậy, bệnh nhân thường cho rằng đây là chuyện không đáng quan tâm cho nên càng ngày bệnh càng nặng dần. Triệu chứng thường gặp nhất là khó thở, ho, khò khè và có hiện tượng tăng tiết chất nhày và đờm. Khó thở lúc đầu chỉ thỉnh thoảng. Khi bệnh nặng, người bệnh luôn luôn thấy khó thở và đôi khi phải dùng mặt nạ để thở ôxy. Thở khò khè giống như hen suyễn vì phế nang bị sưng nề và xuất tiết nhiều (đờm) làm nghẽn đường dẫn khí. Ho lúc đầu vào buổi sáng, sau đó dần dần ho nhiều suốt ngày đêm. Ho ra đờm, lúc đầu ít, lỏng, càng về sau càng đặc quánh. Đờm trong hoặc hơi đục, đôi khi đờm có màu hơi vàng. Người bệnh luôn luôn cảm thấy mệt mỏi, lười vận động, chán ăn do thiếu dưỡng khí. Một người bệnh được chẩn đoán là COPD khi có biểu hiện ho, khạc đờm trên 3 tháng trong 1 năm và biểu hiện liên tiếp như vậy trong vòng 2 năm trở lên; đồng thời khó thở càng ngày càng tăng. Bệnh nhân thường phải gắng sức để thở hoặc thở hổn hển. COPD dễ nhầm với hen suyễn. Phân biệt bằng cách: Bệnh hen suyễn sẽ lên cơn hen cấp tính mỗi khi gặp phải chất gây dị ứng (dị ứng nguyên) hoặc chất kích thích, trong khi đó, COPD không nhất thiết như vậy. Tuy vậy, bệnh hen suyễn dẫn đến suy hô hấp chậm hơn COPD. Với bệnh COPD mà khi đã có ho nhiều, khó thở nặng và tăng tiết chất nhày nhiều thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Điều trị và phòng bệnh thế nào?
COPD là một bệnh trường diễn, vì vậy, việc điều trị gặp không ít khó khăn. Các thuốc corticosteroid có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn cấp tính rất hiệu nghiệm nhưng lại tác dụng hạn chế trong COPD giai đoạn ổn định. Trong khi đó, thuốc anticholinnergic dạng bơm đem lại hiệu quả khá cao trong COPD. Nhiều tác giả khuyến nghị nên dùng các thuốc anticholinergic là thuốc điều trị duy trì đối với COPD và khi bệnh tiến triển xấu, cần kết hợp với các thuốc chủ vận bêta hoặc một số thuốc khác. Khi bệnh tái phát nặng thì nên dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn (nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn) từ 10 - 14 ngày, đồng thời dùng thuốc giãn phế quản (atrovent, diaphylin) khí dung hoặc uống hay tiêm theo chỉ định của bác sĩ điều trị và thuốc long đờm. Trong trường hợp cần thiết và có điều kiện, nên cho thở ôxy.     
BS. Việt Bắc


Ðể phòng COPD, điều quan trọng nhất là bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với khí, khói độc hại, bụi. Thuốc lá, thuốc lào không những là những nguyên nhân gây COPD mà còn là những nguy cơ cao của các bệnh về phổi, đặc biệt là ung thư phổi. Cần có bảo hộ lao động tốt cho những người làm việc trong môi trường có hóa chất, khói, bụi bặm. Nên tập thể dục đều đặn hàng ngày, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy, tuy vậy, những lúc thời tiết chuyển mùa, nhất là mưa, lạnh chỉ nên tập thể dục trong nhà. Thời tiết mưa nhiều, lạnh, cần mặc ấm, không để nhiễm lạnh đột ngột. Khi ra đường, cần mặc đủ ấm, cổ quàng khăn ấm; tay, chân cần đi tất. Luôn luôn có đủ thuốc để dự phòng mà bác sĩ đã kê đơn trong các lần khám bệnh, đặc biệt là lúc chuyển mùa.

Phòng ngừa bệnh viêm họng

Có tới 200 chủng virút gây viêm họng và thường tự khỏi nếu sức đề kháng của cơ thể tốt. Ngược lại, nếu cơ thể yếu, sức đề kháng giảm, người bệnh có thể bị bội nhiễm các vi khuẩn. Trong đó nguy hiểm nhất là loại liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.
Viêm họng là một bệnh phổ biến trong cộng đồng, nhất là khi môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay ở các thành phố, khu công nghiệp; tỉ lệ  mắc nhiều ở trẻ em dưới 7 - 8 tuổi. 
Phòng ngừa bệnh viêm họng 1
Ăn nhiều hoa quả chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng của cơ thể và mũi họng
Viêm họng là gì?
Viêm họng là tình trạng viêm cấp niêm mạc hầu.
Có 3 loại viêm họng: viêm họng trắng, viêm họng đỏ và viêm họng loét (rất hiếm gặp). Trong tất cả các trường hợp, người bệnh đều cảm thấy đau rát họng, gặp khó khăn khi nuốt, sốt và thường xuyên nhức đầu. Ngoài ra, viêm họng còn đi kèm với một vài triệu chứng như cảm lạnh, buồn nôn, đau mình mẩy, sưng amiđan và nổi hạch ở cổ…
Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng nhưng phần lớn là do các loại virút (80%), còn lại là do vi khuẩn (chủ yếu liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A Streptococcus - thủ phạm gây nên những biến chứng nghiêm trọng về tim, khớp và thận) và các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết, khói bụi, rượu, hóa chất...
Khi nào là nguy hiểm?
Viêm họng được gọi là nguy hiểm khi nguyên nhân gây viêm họng do liên cầu bêta tan huyết nhóm A. Nguyên nhân là do vỏ của loại liên cầu này có cấu trúc gần giống cấu tạo của màng thận, màng tim, màng khớp, do đó khi mắc bệnh và không được điều trị kịp thời cơ thể tự sản sinh ra kháng thể chống lại loại liên cầu này, đồng thời tấn công cả vào thận, tim và khớp gây viêm khớp, viêm cầu thận, thấp tim để lại hậu quả rất nặng nề cho bản thân người bệnh nhân và cộng đồng.
Theo các bác sĩ, một số yếu tố quan trọng để phát hiện viêm họng do liên cầu bêta tan huyết nhóm A bao gồm:
- Bệnh thường khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao 30 - 400C, người mệt mỏi.
- Khám họng thấy có mủ trắng bẩn ở khe, hốc amiđan hai bên. Sờ thấy hạch dưới hàm cả hai bên, di động, ấn đau.
- Bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao khi lấy máu làm xét nghiệm.
Phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu
Khi mới thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm họng, người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để khám phát hiện hoặc loại trừ loại viêm họng nguy hiểm này và đưa ra biện pháp điều trị thích hợp nhất. Mỗi loại viêm họng đều có những nguyên nhân khác nhau trừ những đợt có dịch. Mỗi nguyên nhân lại gây ra những tổn thương đặc thù mà dựa vào các dấu hiệu có trên niêm mạc họng cụ thể khi đó bác sĩ sẽ đưa ra cách xử trí hợp lý nhất như có dùng kháng sinh hay không dùng kháng sinh, nếu phải dùng thì sử dụng nhóm kháng sinh nào đem lại hiệu quả cao cho bản thân người bệnh, tránh tình trạng lạm dụng thuốc. Cách điều trị tốt nhất là lấy dịch họng đem nuôi cấy xác định loại vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ.
Điều trị thường kết hợp với sát khuẩn vùng họng bằng nước muối sinh lý ngậm họng, súc họng với dung dịch kiềm loãng. Khí dung mũi họng theo chỉ định bằng tinh dầu bạc hà, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm dạng hòa tan. Đắp khăn nóng vào hai bên cổ.
Phòng bệnh rất biện pháp rất quan trọng, đặc biệt khi có dịch viêm mũi họng. Giữ ấm vùng cổ, tránh ngồi, ngủ, tắm... ở nơi có gió lùa. Ăn nhiều hoa quả chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng của cơ thể và mũi họng.
Nhiều người lầm tưởng rằng, viêm họng là bệnh không lây. Song trên thực tế, nó là bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Nếu ai đó xung quanh bạn đang bị viêm họng thì cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với họ và rửa tay thường xuyên.
Nếu bị viêm họng, bạn cũng nên rửa tay thường xuyên nhằm hạn chế sự lây lan của vi khuẩn khi bạn dùng tay che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
BS. TRẦN QUỐC NINH


Phòng bệnh viêm xoang mùa lạnh

Mùa lạnh về thì các bệnh thuộc đường hô hấp dễ mắc phải và hay bị tái phát, trong đó viêm xoang là một bệnh cần được quan tâm nhiều. Bệnh viêm xoang gặp ở mọi lứa tuổi và khi thời tiết thay đổi bệnh thường dễ xuất hiện đặc biệt là viêm xoang dị ứng mạn tính.
Biểu hiện của bệnh
Xoang là những khoang trống của xương sọ. Các khoang trống đó được tạo nên quanh hốc mũi. Do cấu tạo của xoang là các hộp rỗng nên chúng có khả năng làm giảm trọng lượng của khối hộp sọ và tham gia điều hòa không khí. Các xoang còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng là làm ấm không khí mỗi khi thời tiết lạnh và làm mát không khí khi trời nóng nhờ vào sự điều hòa của hệ thống mao mạch của xoang.
Phòng bệnh viêm xoang mùa lạnh 1
 Người bị viêm xoang cần đeo khẩu trang khi ra đường
Xoang có thể bị bệnh bởi cơ chế dị ứng nên được gọi là viêm xoang dị ứng. Viêm xoang dị ứng phụ thuộc vào các loại dị nguyên (kháng nguyên) xâm nhập vào trong xoang đặc biệt là các loại dị nguyên mang tính chất dị ứng mạnh và rất lạ đối với cơ thể như phấn hoa, lông chó, mèo, ký sinh trùng như bọ, mạt, ve và gặp phải cơ thể có cơ địa dị ứng thì bệnh sẽ xuất hiện sớm hơn, nặng hơn. Khi thời tiết chuyển mùa như thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, gió mùa đông bắc, áp thấp nhiệt đới, ẩm ướt thì xuất hiện ngứa mũi, hắt hơi, đau đầu, đau dọc theo sống mũi, các chất nhầy của xoang sẽ chảy xuống họng làm cho người bệnh có cảm giác rất khó chịu. Viêm xoang dị ứng ít khi có sốt trừ khi có bội nhiễm vi sinh vật. Nếu bị viêm xoang do nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn hoặc vi rút hoặc vi nấm) thì được gọi là viêm xoang nhiễm trùng. Viêm xoang nhiễm trùng thường có sốt nhẹ, nhưng đôi khi có sốt cao, rét run, đau nhức đầu, kèm theo viêm một số bộ phận thuộc đường hô hấp khác như viêm mũi, họng, viêm amidan, có trường hợp gây viêm tai. Nếu để viêm xoang mạn tính thì việc điều trị sẽ gặp không ít khó khăn và cũng có nhiều nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm, ví dụ như rối loạn tiền đình, rối loạn tuần hoàn não.
Phòng bệnh
Phòng bệnh viêm xoang cũng tương tự như phòng mắc các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, khi thời tiết thay đổi cần mặc ấm, nhất là vùng cổ, ngực, mũi. Không tắm nước lạnh mà cần tắm nước nóng. Khi tắm cần tắm trong buồng kín gió. Tắm xong cần lau thân mình và đầu, mặt, cổ thật khô và mặc quần áo ngay. Cần vệ sinh họng, miệng hàng ngày như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý. Nếu giữ được họng, miệng không bị viêm thì hạn chế rất nhiều đến việc bị viêm xoang cũng như bệnh viêm xoang tái phát, bởi vì hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên liên thông với nhau. Những người đã bị viêm xoang mạn tính và cả người bình thường thì hàng ngày nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Đối với trẻ em và người cao tuổi càng cần thực hiện tốt vệ sinh sạch sẽ đường hô hấp trên một cách thường xuyên càng tốt.
Mỗi khi đi ra đường, ngoài việc mặc ấm thì cần đeo khẩu trang, nên dùng loại có khả năng hạn chế sự xâm nhập của bụi. Khi nghi ngờ bị viêm xoang hoặc viêm đường hô hấp, cần đi khám bác sĩ ngay, tốt nhất là khám bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng. Người bị viêm xoang và viêm xoang tái phát cần thiết điều trị theo đơn của bác sĩ, tuân thủ đầy đủ các loại thuốc, không tự động giảm liều hoặc tăng liều và không được thay thế thuốc này bằng thuốc khác. Không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh viêm xoang nếu làm như vậy sẽ lợi bất cập hại, nghĩa là bệnh không khỏi mà có khi còn tăng lên hoặc gây tai biến rất nguy hiểm.
Những trường hợp viêm xoang mạn tính tái phát, khi thời tiết thay đổi do chuyển mùa cũng không nên dùng đơn của bác sĩ khám lần trước để điều trị cho lần tái phát này hoặc dùng đơn của người khác cũng có triệu chứng tương tự để điều trị cho mình. Ngoài ra, nếu dùng kháng sinh không đúng chỉ định của bác sĩ có thể làm cho vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh dẫn đến những lần bệnh tái phát mà nguyên nhân cũng do vi khuẩn hoặc bội nhiễm vi khuẩn thì việc điều trị rất khó khăn.
PGS.TTƯT. BÙI MAI HƯƠNG


Khàn tiếng do nấm thanh quản

Khàn tiếng là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có bệnh nấm thanh quản. Tỷ lệ bệnh nhân bị nấm thanh quản trước đây hiếm nhưng ngày càng gia tăng do điều kiện làm việc, môi trường ngày càng ô nhiễm, các bệnh gây suy giảm sức đề kháng ngày càng nhiều, việc sử dụng thuốc không theo chỉ định cũng làm gia tăng tổn thương nấm gây bệnh tại thanh quản.
Thanh quản là bộ phận hẹp nhất của đường thở. Do thanh quản nằm ở cửa ngõ của đường hô hấp dưới với các chức năng đảm nhiệm là: thở, phát âm và bảo vệ phổi, nên các bệnh lý của thanh quản đều ảnh hưởng lên ba chức năng này, biểu hiện hay gặp nhất là khàn tiếng, khó thở và ho.
Khàn tiếng do nấm thanh quản 1
 Nấm Aspergillus dưới kính hiển vi.
Triệu chứng điển hình
Khàn tiếng là một biểu hiện thường gặp nhất trong số các triệu chứng, 70% bệnh nhân bị bệnh lý thanh quản đến khám vì dấu hiệu này, nhất là trong một số nghề nghiệp đặc thù như giáo viên, ca sĩ, nhân viên bán hàng. Khàn tiếng là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có bệnh nấm thanh quản.
Ngoài biểu hiện hay gặp là chứng khàn tiếng kéo dài có thể xuất hiện thêm triệu chứng như ngứa cổ và ho từng cơn, những cơn ho có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong ngày, ho khan hoặc ho có đờm xanh vàng nếu kèm theo bội nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời, các bào tử nấm xâm nhập dần vào lớp tổ chức dưới niêm mạc tạo thành khối nấm giả u gây khó thở, khó nuốt, thậm chí thở rít.
Tỷ lệ bệnh nhân bị nấm thanh quản trước đây hiếm nhưng ngày càng gia tăng do điều kiện làm việc, môi trường ngày càng ô nhiễm, các bệnh gây suy giảm sức đề kháng ngày càng nhiều, việc sử dụng thuốc không theo chỉ định cũng làm gia tăng tổn thương nấm gây bệnh tại thanh quản. Bệnh nấm thanh quản thường được phát hiện khi người bệnh đến khám với triệu chứng ho kéo dài, đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh, chống viêm, chống dị ứng thông thường không đỡ.
Khàn tiếng do nấm thanh quản 2
 Niêm mạc thanh quản bị viêm do nấm gây liệt nhẹ thanh quản.
Ai dễ mắc nấm thanh quản?
Loại nấm hay gây bệnh ở thanh quản mà người ta phân lập được là Candida và Aspergillus.
Nấm thanh quản thường gặp thứ phát trên bệnh nhân có hiện tượng suy giảm hệ miễn dịch, liên quan đến AIDS, ung thư vùng họng, bệnh ung thư máu, các khối u hệ liên võng nội mô hoặc sử dụng thuốc corticoid kéo dài, những bệnh hệ thống mạn tính (bao gồm đái tháo đường, bệnh hô hấp nặng, bệnh nhân đã ghép tạng thành công, có thể bị cùng với nấm phổi…) hoặc suy giảm sức đề kháng tại chỗ của bản thân niêm mạc vùng thanh quản do những thuốc xịt dự phòng hen có corticoid.
Nấm Candida albicans thường gây nhiễm bề mặt, đặc trưng bởi sự phì đại của lớp biểu mô bề mặt do sự thâm nhiễm trực tiếp lên niêm mạc nhưng trong một số trường hợp phải nghĩ đến hiện tượng xâm nhập của nấm vào tổ chức dưới niêm mạc nếu người bệnh có sốt, rét run và sốt rét.
 Chẩn đoán có khó?
Khi thăm khám bệnh nhân nhiễm nấm thanh quản thấy niêm mạc hố lưỡi thanh thiệt, thanh thiệt, sụn phễu, nẹp phễu thanh thiệt phù nề, có những vết loét nông, được phủ bởi giả mạc màu trắng ngà, bẩn. Dây thanh sung huyết đỏ, nề, đôi khi hạn chế vận động và có lớp giả mạc trắng bám trên dây thanh, bảo bệnh nhân khạc mạnh không mất đi như lúc dây thanh bị đờm bám. Toàn bộ vùng họng và hạ họng xuất tiết nhiều nước bọt và tổ chức lympho thành sau họng tăng lên một cách đáng kể. Xét nghiệm máu cũng có sự tăng bạch cầu đa nhân trung tính, các chỉ số xét nghiệm khác trong giới hạn bình thường. Xquang cổ nghiêng đôi khi thấy dày phần sụn nắp thanh thiệt nên việc chẩn đoán còn nhầm với viêm thanh thiệt cấp.
Nấm thanh quản cũng có thể nhầm với một vài bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, u hạt, ung thư thanh quản… thì việc chẩn đoán nhầm dễ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Một số trường hợp đặc biệt khi không thể chẩn đoán phân biệt với ung thư thanh quản, người ta mới sử dụng thêm một số phương pháp khác hỗ trợ như chụp cắt lớp vi tính vùng thanh quản, sinh thiết vị trí tổn thương…
Điều trị thế nào?
Điều trị nấm thanh quản không khó và sau khi khỏi ít khi bệnh tái phát. Chỉ sử dụng thuốc chống nấm khi chẩn đoán xác định là nấm vì đây là nhóm thuốc gây độc với gan và khi uống bệnh nhân thường rất mệt. Thuốc hay được sử dụng chữa nấm thanh quản chủ yếu bằng đường uống, một số trường hợp đặc biệt có thể sử dụng thuốc chống nấm tiêm tĩnh mạch. Nhóm kháng sinh chống nấm phổ biến trên thị trường hiện nay bao gồm: amphotericin, flucanazole hoặc ketoconazole. Có thể sử dụng nystatin để làm thuốc thanh quản tại chỗ. Thời gian điều trị thay đổi từ 10 - 30 ngày phụ thuộc vào sự cải thiện của triệu chứng lâm sàng trên từng người bệnh.
TS. Phạm Bích Đào


Mềm sụn thanh quản

Mền sụn thanh quản (MSTQ) là tình trạng sụn thanh quản bị mềm, không đủ cứng để nâng đỡ vùng thanh quản, làm che lấp một phần đường hô hấp. Khi thở, không khí đi vào thanh quản bị bẹp sẽ nghe tiếng rít to.
Đây là bệnh lý bẩm sinh, gặp ở trẻ sơ sinh hay trẻ nhũ nhi. Nguyên nhân hiện nay chưa rõ.
Thanh quản với giải phẫu học
Thanh quản là một cơ quan cấu trúc lên hệ hô hấp, được cấu tạo bởi 9 loại sụn khác nhau, được liên kết với nhau bởi các dây chằng và cơ. Thanh quản ở ngay dưới trước của họng, giữa vùng cổ, dưới xương móng và đáy lưỡi. 9 loại sụn tạo nên thanh quản bao gồm: sụn thanh thiệt hay sụn nắp, sụn giáp, sụn phễu, ngoài ra còn có các loại sụn nhỏ. Thanh quản chi phối bởi dây thần kinh X, và dây thần kinh quặt ngược. Chức năng chính của thanh quản là chức năng thở và chức năng phát âm.
Cấu trúc giải phẫu của thanh quản
Tại sao có mềm sụn thanh quản?
Trẻ mới sinh ra, nếu sụn thanh quản bình thường, trẻ sẽ thở tốt sau các động tác của các cô nữ hộ sinh giúp trẻ hút đàm nhớt và kích thích cho trẻ tự thở. Trong trường hợp sụn thanh quản bị mềm, thường thì mềm vùng thanh thiệt và vùng sụn phễu, khi trẻ thở vào vì vùng thanh thiệt mềm nên bị cụp xuống, che phần dưới thanh môn làm cho hẹp đường thở. Một số quan điểm cho rằng, do sự hoàn chỉnh chậm của thần kinh và cơ ở vùng ngã tư họng - thanh quản với giảm trương lực các cơ treo ở vùng dưới xương móng. Những đứa trẻ bị MSTQ trong những gia đình nuôi dưỡng kém khi mang thai, kinh tế khó khăn, thiếu thốn ăn uống không đầy đủ.
Cách xác định
Bệnh lý này có một triệu chứng đặc trưng, đó là tiếng thở rít ở thì hít vào, phần lớn em bé không bị tím tái, môi vẫn hồng, tiếng rít này tăng lên khi trẻ ngủ, khi khóc. Xuất hiện sớm ngay từ khoảng ngày thứ 10 sau sanh. Nếu xuất hiện muộn phải nghĩ đến nguyên nhân khác. Tiếng thở rít to hay thường xuyên có thể kèm theo bội nhiễm đường hô hấp. Cường độ giảm dần và mất hẳn tiếng rít sau 30 tháng tuổi. Có những trường hợp nặng tiếng rít có thể kéo dài khi trẻ 5 tuổi.
Triệu chứng khác có thể thấy là nhịp thở, có khó thở chậm thì hít vào, co lõm ức, liên sườn.
Nội soi thanh quản là cách xác định rõ, cho thấy  hình ảnh mềm sụn thanh quản, đồng thời nội soi thanh quản giúp chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân khác gây tiếng rít thanh quản.
Điều trị
Không có điều trị đặc hiệu. Khoảng 2 tuổi bệnh tự khỏi, nên chăm sóc đường hô hấp. Bệnh sẽ nặng thêm khi có bội nhiễm đường hô hấp. Trẻ bú khó do sụn thanh quản mềm, nên cho trẻ bú chậm và chia thành nhiều bữa nhỏ, tránh để sặc sữa. Cho trẻ bú sữa mẹ, uống thêm canxi và vitamin D, tắm nắng hàng ngày cho trẻ, trẻ càng lớn bệnh càng giảm. Trường hợp trẻ có bội nhiễm nặng có thể đặt nội khí quản để giúp đường thở phải thông tốt. Đôi lúc phải đặt vấn đề phẫu thuật khi trẻ bị khó thở dữ dội, bằng cách phẫu thuật cắt bỏ một phần thanh thiệt để làm giảm bít tắc thanh môn.
Tóm lại: MSTQ là một bệnh gây khó thở có tiếng thở rít ở trẻ nhỏ. Chính tiếng rít này làm cho cha mẹ của trẻ lo lắng. Tuy nhiên, bệnh này thuộc dạng nhẹ, trẻ phát triển ngày càng lớn, bệnh sẽ giảm dần, sau 2 tuổi sẽ khỏi. Cần chăm sóc kỹ trẻ tránh để trẻ sặc sữa và bội nhiễm phổi. Phẫu thuật trong MSTQ khi bệnh lý nặng nề.
BS. NGUYỄN THUẬN THÀNH

Sừng hóa họng - Bệnh của người trẻ tuổi?

(SKDS) - Họng bị sừng hóa hay sừng hóa họng là một thể bệnh viêm họng hiếm gặp, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,001% các bệnh lý tai mũi họng nên thường khó chẩn đoán và dễ chẩn đoán nhầm. Đặc biệt, bệnh thường gặp ở những người dưới 40 tuổi.
Sừng hóa họng là hiện tượng lớp biểu mô trụ, có lông chuyển và các tuyến chế tiết khu trú tại các tổ chức lympho trong vòng bạch huyết Waldeyer bị biến đổi trở thành các tế bào biểu bì giống như bề mặt da. Nguyên nhân của bệnh được cho là do niêm mạc họng bị viêm thường xuyên dẫn đến rối loạn sự trưởng thành của niêm mạc ở các khe amidan. Các tế bào này không còn chức năng bảo vệ, hô hấp giống như cấu tạo ban đầu của niêm mạc họng mà tạo thành các đám giống như những cái gai. Sừng hóa họng thường gặp ở những người dưới 40 tuổi.
 Hình ảnh giải phẫu amidan vòm họng.
Sừng hóa họng diễn biến thầm lặng

Các thể của sừng hóa họng
Tùy theo vị trí của các khối gai sừng mà người ta phân chia sừng hóa họng thành nhiều thể lâm sàng để tiện cho việc điều trị:
Thể thanh quản: gai sừng lan tràn xuống tận băng thanh thất.
Thể vòi Eustachi (vòi nối từ họng sang tai giữa): gai sừng lan xung quanh loa vòi tai, nhất là ở amidan vòi.
Thể tập trung: các gai sừng dài độ 2mm, tập trung lại thành từng cụm hình thành những mào gà hoặc những đám mịn như nhung, màu trắng bệch hoặc xám tro tại amidan.
Bệnh diễn biến một cách trầm lặng, bệnh nhân thường không rõ bệnh bắt đầu từ khi nào. Bệnh nhân đến khám tai mũi họng sau khi tình cờ há họng soi gương thấy có những điểm trắng trên amidan. Khai thác tiền sử các bệnh về tai mũi họng bao giờ bệnh nhân cũng cho biết được chẩn đoán nhiều lần là viêm họng mạn tính với các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt thấy nghẹn ở họng, hay phải đằng hắng.
Tiến hành thăm khám phát hiện thấy trên bề mặt amidan có nhiều điểm trắng nhọn hình nón, to bằng hạt gạo, xuất phát từ các khe amidan giống như những cái gai cụt. Gai không cứng nhưng chắc như sừng và bám chặt vào amidan. Dùng que bông để lấy bỏ rất khó nhưng cũng không chảy máu. Muốn lấy bỏ phải dùng kẹp phẫu tích lôi ra nhưng động tác này làm đau bệnh nhân và gây chảy máu.
Dùng gương thanh quản số 4 soi hạ họng thấy ở amidan lưỡi cũng có những đặc điểm giống như trên với các kích thước khác nhau, có khối to bằng hạt đậu xanh, có khối to bằng đầu que diêm. Hình dáng giống như những cái đinh bằng bạc đóng vào gỗ. Niêm mạc họng gần như bình thường, đây đó có vài đảo lympho - hạt ở họng - hơi đỏ. Cổ không có hạch, thể trạng tốt. Bệnh nhân ăn uống bình thường. Diễn biến bệnh kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Bệnh lui một cách đột ngột và thường cũng không cần phải điều trị.
Cần phân biệt sừng hóa họng với những bệnh gì?
Chẩn đoán quyết định dựa vào hình dạng của các gai giống như đầu đinh, các gai này dính chặt vào amidan, niêm mạc xung quanh bình thường trên những bệnh nhân có tiền sử viêm họng mạn tính. Cũng cần phải chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có đặc điểm chung là tồn tại những điểm trắng trên amidan:
Viêm amidan cấp mủ: có những điểm trắng nhìn qua giống như gai sừng nhưng dùng tăm bông chùi nhẹ đã hết, hơn nữa niêm mạc xung quanh viêm đỏ và toàn thân bệnh nhân có sốt.
Viêm amidan khe mạn tính: bã đậu kết hợp lại thành khối trắng ở miệng khe. Lúc nặn amidan bã đậu sẽ phọt ra.
Bạch hầu: giả mạc thành từng mảng và lan rộng khắp họng. Hạch cổ sưng kèm theo tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
 Bệnh nhân sừng hóa họng thường đi khám tình cờ khi có những điểm trắng trên amidan.
Điều trị bệnh chủ yếu bằng phẫu thuật

Không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sừng hóa họng nên để tự nhiên bệnh có thể tự khỏi. Nếu bệnh nhân có những biểu hiện nuốt vướng, nuốt nghẹn, chỉ điều trị triệu chứng nhằm giảm khó chịu cho bệnh nhân bằng một số thuốc như xịt họng tại chỗ, an thần, kháng viêm.
Điều trị chủ yếu sừng hóa họng bằng phẫu thuật.
Nếu các gai hạt ít: Nhổ các gai hạt sau khi đã gây tê tại chỗ.
Cắt amidan toàn bộ nếu gai hạt tập trung nhiều trên amidan.
Nếu bệnh đã lan rộng xuống tận amidan đáy lưỡi hoặc loa vòi Eustachi, băng thanh thất thì đốt bằng đông điện.
Phòng bệnh
Ở những người viêm họng mạn tính, pH vùng họng chuyển sang môi trường axit do đó nên súc họng thường xuyên bằng những dung dịch có tính kiềm nhẹ để điều hòa pH trở về môi trường kiềm, tránh những rối loạn phát sinh của niêm mạc họng. Kiêng rượu bia, thuốc lá, chất cay, lạnh... 

TS.Phạm Bích Đào

Chứng viêm mũi xoang dị ứng đang gia tăng

(SKDS) - Viêm mũi xoang dị ứng là một bệnh thường gặp và có xu hướng ngày càng tăng do tình trạng ô nhiễm môi trường. Viêm mũi xoang dị ứng là phản ứng miễn dịch đặc hiệu quá mẫn của niêm mạc mũi xoang với kháng nguyên. Khi bệnh diễn biến kéo dài, niêm mạc mũi xoang có thể thoái hóa thành polyp.
Viêm mũi xoang dị ứng có thể biểu hiện đơn thuần, có thể kết hợp với các bệnh dị ứng khác như: hen phế quản, viêm kết mạc dị ứng, viêm da dị ứng...
 
Bệnh thường xuất hiện thành từng cơn với các triệu chứng điển hình khi có tiếp xúc với dị nguyên (dị nguyên hay gặp là bụi nhà, ngoài ra, có những dị nguyên khác như lông vũ, nấm mốc, bụi bông...). Bệnh thường xuất hiện khi có sự thay đổi thời tiết với biểu hiện: Ngứa mũi thường là triệu chứng đặc hiệu, ngứa cả hai bên hốc mũi, lan xuống họng và lên cả mắt; Hắt hơi thành từng tràng, liên tục 5 - 10 cái, không kiềm chế được, có khi hắt hơi nhiều gây váng đầu; Chảy nước mũi loãng, trong như nước lã, số lượng nhiều.
 
Các cơn viêm mũi xoang dị ứng thường kéo dài vài ngày, có thể tự qua đi dù không điều trị gì. Cơn sẽ luôn tái phát theo mùa, theo tuổi tác, theo tiếp xúc. Khi bệnh tiến triển kéo dài, niêm mạc mũi xoang có thể thoái hoá thành polyp.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Điều trị bằng cách nào?
Nguyên tắc chung: Viêm mũi xoang dị ứng do nhiều nguyên nhân khác nhau, biểu hiện lâm sàng ở mỗi người một khác, thay đổi theo môi trường, cơ địa, sự quá mẫn của cơ thể nên không thể áp dụng một phương thức điều trị chung, cứng nhắc, cần thay đổi theo từng người, từng hoàn cảnh, từng thời gian.
Điều trị triệu chứng là quan trọng:
Tại chỗ: hằng ngày rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Xịt thuốc corticoid tại chỗ. Chỉ dùng thuốc co mạch khi thật cần thiết. Toàn thân: dùng các thuốc kháng histamin. Dùng thuốc corticoid theo nguyên tắc giảm dần liều. Tuy nhiên, cần lưu ý các tác dụng phụ của thuốc như loãng xương, xuất huyết tiêu hóa.
Điều trị nguyên nhân là cơ bản: Khi xác định được dị nguyên, cần thực hiện tiêm giảm mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên với liều tăng dần theo phác đồ. Ngày nay, các nhà khoa học đã chiết xuất ra dị nguyên dùng dưới lưỡi nhằm tăng hiệu quả điều trị và đơn giản trong sử dụng.
Phòng tránh
Tránh, giảm tiếp xúc với dị nguyên, đặc biệt đối với viêm mũi xoang dị ứng nghề nghiệp. Vệ sinh môi trường ở, nơi làm việc, tránh ẩm mốc. Nâng cao sức đề kháng của cơ thể.  
 ThS.BS. Hà Minh Lợi
(Khoa Mũi xoang - Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương)

Có xử lý triệt để được u xơ vòm mũi họng?

(SKDS) – U xơ vòm mũi họng được khẳng định là một khối u lành tính nhưng khối u này có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh khi lan rộng vào nội sọ hoặc chảy máu quá nhiều dẫn đến suy kiệt.
Chỉ cần thăm khám nhẹ có thể gây chảy máu ồ ạt từ khối u
Khối u này đúng như tên gọi của nó - xuất phát từ vòm mũi họng. Tần suất khối u chiếm khoảng 0,5% tổng số các khối u vùng đầu mặt cổ. Khối u là một búi mạch từ hệ thống động mạch hàm trong (thuộc hệ động mạch cảnh ngoài) nên được lấy tên là u xơ vòm mũi họng.
U xơ vòm mũi họng nằm ngay dưới niêm mạc vùng họng mũi, khu trú ở thành bên của họng mũi hay cửa mũi sau. Do cấu tạo như thế nên u xơ vòm mũi họng là một khối giàu mạch máu và chỉ cần một tác động nhẹ do va chạm khi thăm khám hoặc viêm nhiễm, máu có thể chảy ồ ạt từ khối u.
 Khám phát hiện u xơ vòm mũi họng.
Người mắc u xơ vòm mũi họng
có khuôn mặt đặc biệt
Nguyên nhân hình thành khối u xơ vòm mũi họng chưa được xác định rõ ràng nhưng người ta cho rằng do rối loạn nội tiết ở trẻ nam đến tuổi trưởng thành do đó trường hợp điển hình để bác sĩ nghĩ đến bệnh lý u xơ vòm mũi họng khi gặp một bệnh nhân nam, độ tuổi từ 15 - 25, đến khám vì tình trạng ngạt tắc mũi một bên, chảy máu tươi tái diễn từng đợt, ngày một nặng làm bệnh nhân trong tình trạng thiếu máu từ trung bình đến nặng tùy số lượng chảy máu mỗi lần.
 
Trước đây do người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời nên hình ảnh khối u xơ vòm mũi họng gây “ám ảnh” trong đầu người thầy thuốc là người bệnh có bộ mặt biến dạng với nhãn cầu bị đẩy lồi ra khỏi hốc mắt, mũi mở rộng và bè ra, má phồng lổn nhổn như đá cuội. Nếu những bệnh nhân này đến bệnh viện điều trị sớm thì không còn gặp những trạng thái biến dạng khuôn mặt như vậy nữa. Khi khối u được lấy bỏ ra khỏi cơ thể, đem ra quan sát thì thấy đây là một khối u cứng, màu đỏ thẫm, kích thước trung bình 4x5cm, chia thành nhiều thùy, có thể có cuống hoặc không, cấu trúc là tổ chức xơ mạch.
Để phát hiện sớm khối u cần lưu ý
Biểu hiện ở giai đoạn đầu là ngạt tắc mũi một bên ngày càng tăng kèm theo chảy nước mũi nhầy, thỉnh thoảng hốc mũi bên ngạt chảy máu đỏ tươi, tần suất chảy tăng dần. Giai đoạn này nếu người bệnh được đưa đến khám ngay thì việc xử trí sẽ rất tốt bằng phương pháp mổ nội soi và kết quả cũng khả quan, tỷ lệ tái phát dưới 10%. Khi khối u to ra, các triệu chứng trên nặng dần đồng thời xuất hiện thêm một số triệu chứng mới do chèn ép các cơ quan lân cận: ù tai và nghe kém do tắc vòi tai, thỉnh thoảng bệnh nhân nhức đầu, thể trạng suy kiệt.
 
Bệnh nhân có thể nhìn đôi khi khối u ăn mòn xương sọ, chèn ép dây thần kinh thị giác hoặc mất ngửi do viêm nhiễm niêm mạc mũi, tắc mũi, tổn thương thùy thái dương. Đau nhức mắt. Khám mũi thấy khối u màu hồng ở vòm, cửa mũi sau ngay dưới niêm mạc, chạm vào dễ chảy máu. Khi hệ thống đèn khám nội soi tai mũi họng chưa phát triển, khối u thường thấy khi đã lan vào trong hốc mũi, đôi khi bị nhầm với tổ chức V.A còn sót lại hoặc với u vòm. Một số phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ là CT scan có bơm thuốc cản quang, MRI, chụp mạch: đánh giá tình trạng mạch nuôi.
 Hình ảnh khối u xơ vòm mũi họng qua nội soi.
Điều gì xảy ra nếu để khối u vòm
phát triển tự nhiên?
Nếu để phát triển tự nhiên khối u xơ sẽ xâm nhập vào: thành sau bên họng mũi, hố chân bướm hàm, phía trước, khối u lan vào hốc mũi và họng mũi, thành bên: hố chân bướm hàm, hố dưới thái dương. Giai đoạn này khối u phá hủy xương đẩy lồi nhãn cầu ra trước, làm mất xương khẩu cái, vào xoang hàm, tiêu xương hàm trên và nổi phồng dưới da. Khối u có thể chui vào não.
Cách xử lý triệt để khối u vòm
Phẫu thuật là biện pháp triệt để nhất để lấy được toàn bộ khối u đặt ra trong bệnh lý này. Người ta sẽ thực hiện mổ nội soi khi khối u còn khu trú sau khi thực hiện biện pháp làm tắc nguồn mạch nuôi dưỡng khối u. Khi khối u quá to, việc lấy bỏ khối u khó khăn hơn qua được mở rộng ngay cạnh mũi. Tia xạ làm teo khối u khi khối u lan rộng, xâm lấn nội sọ không thể phẫu thuật được. Điều trị nội tiết được kết hợp sau mổ hoặc sau tia xạ. Tỷ lệ tái phát 50%. 

TS.Phạm Bích Đào

Viêm mũi cấp tính

Viêm mũi cấp tính (VMCT) là một bệnh rất thường gặp ở nước ta, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là ở trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi, khi thời tiết thay đổi hay mùa lạnh. Đây là bệnh viêm của niêm mạc hốc mũi, thường do virut
Mũi là phần đầu đường hô hấp, có chức năng dẫn khí từ bên ngoài vào đến phổi, không khí hít vào qua mũi sẽ được làm ẩm, làm ấm và lọc sạch không khí và tiệt trùng một phần. Ba chức năng, làm ấm, ẩm và sạch không khí, được thực hiện nhờ niêm mạc mũi, với cấu trúc rất giàu mạch máu trong niêm mạc. Niêm mạc mũi thường xuyên bị nhiều yếu tố tác động như độ ẩm, nhiệt độ, hơi khí , bụi, virút, vi khuẩn, nấm mốc… Mũi cũng chịu sự chi phối của hệ thần kinh thực vật. Do đó, khi các yếu tố trên tác động quá mức, làm máu đến tổ chức cương quá nhiều, niêm mạc bị sung huyết, phù nề, đặc biệt rối loạn hệ thống lông - nhầy sẽ ảnh hưởng đến chức năng thở và đưa đến trạng thái bệnh lý. Đó là lý do chính tại sao mũi là cơ quan dễ bị bệnh nhất.
Viêm mũi cấp tính thông thường
Virút là nguyên nhân hay gặp và thường gặp nhiều loại, chủ yếu adenovirus, loại này cũng thường gây viêm họng. Ngoài ra do các loại virút khác như rhinovirus, rheovirus, coronavirus, enterovirus và myxovirus. Các nguyên nhân khác: các chất kích thích hay chất dễ gây dị ứng như khói, mùi của các hương liệu, phấn hoa, thời tiết thay đổi đột ngột như lạnh, ẩm ướt kéo dài. Các yếu tố thuận lợi: cơ thể suy yếu, ăn uống kém, mất ngủ kéo dài, nhiễm lạnh đột ngột.
Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, sốt nhẹ, ớn lạnh, nhức đầu và ăn uống kém. Cảm giác cay nóng và ngứa ở mũi. Xuất hiện chứng nghẹt mũi, ở cả hai mũi hay một bên mũi, nghẹt mũi thường xảy ra vào ban đêm nên người bệnh phải thở bằng miệng. Chảy nước mũi, thường chảy hai bên, lúc đầu dịch trong sau đó dịch nhầy, có thể thành mủ. Nếu xì mạnh thường có lẫn máu tươi. Dấu hiệu ngửi kém hay mất ngửi. Khi người bệnh thở thông thì chức năng ngửi bình thường. Khi soi mũi thấy niêm mạc hốc mũi sung huyết, sàn mũi và khe dưới có dịch nhầy hay mủ ứ đọng, cuống mũi dưới hai bên sưng nề, đỏ, che kín cửa mũi trước.
Bệnh thường diễn tiến từ 5 - 7 ngày rồi lui bệnh và tự khỏi. Tuy nhiên, cơ thể bị suy nhược, đặc biệt ở trẻ em, vi khuẩn bội nhiễm, quá trình viêm có thể kéo dài và lan ra đường hô hấp, gây nên các biến chứng nặng nề hơn như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai giữa.
Điều trị: nghỉ ngơi, giữ ấm và nâng cao thể trạng là chủ yếu. Chống nghẹt mũi bằng cách xỉ mũi hay hút mũi, rửa mũi để làm sạch các chất dịch tiết và mủ bằng nước muối sinh lý 0,9% hay thuốc xịt mũi dung dịch muối biển vào hai mũi, có thể nhỏ các thuốc co mạch naphazolin 0,5 - 1%. Xông hơi nước nóng có pha với các thuốc có tinh dầu như tinh dầu bạc hà, tinh dầu khuynh diệp. Xông khí dung mũi bằng các dung dịch kháng sinh có pha corticoid. Dùng các thuốc giảm đau như paracetamol, efferalgan. Thuốc giảm ho như terpin codein, exomuc. Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có bội nhiễm VMCT có chảy mũi mủ hoặc có biến chứng, thuốc kháng sinh có tính phổ rộng như augmentin, negacef, doncef. Kết hợp dùng thuốc trợ sức mạnh như vitamin C, enervon C, upsa - C.
Viêm mũi cấp tính trong các bệnh nhiễm trùng
Các bệnh nhiễm trùng lây như cúm, sởi… thường hay kèm theo viêm mũi, nhất là trẻ em, ở người lớn triệu chứng viêm mũi không rõ rệt.
Do cúm: các triệu chứng ở mũi thường xuất hiện sớm như ngứa mũi, cay trong mũi, hắt hơi, nghẹt mũi tăng dần, chảy nước mũi, loãng trong, có thể lẫn ít máu khi xì mạnh. Quá trình viêm lan rộng xuống họng, thanh quản gây ra ho từng cơn, khan tiếng.
Các triệu chứng toàn thân thường rõ rệt như sốt cao, đau mình mẩy, mệt mỏi, nhức đầu. Ở trẻ em có thể có biểu hiện hội chứng nhiễm độc thần kinh, nôn mửa, tiêu chảy, và bệnh diễn tiến nặng lên nếu không được điều trị. Viêm mũi do cúm thường lây lan rất nhanh và gây thành dịch. Bệnh tiến triển trong 3 ngày, rồi tự lui dần nhưng cũng có thể gây ra các biến chứng như viêm thanh quản phù nề hạ thanh môn, viêm tai xương chũm, viêm não, viêm xoang. Chẩn đoán bệnh cúm, cần dựa vào phản ứng ức chế ngưng kết hình cầu dương tính. Điều trị VMCT do cúm, cần nghỉ ngơi, đảm bảo mũi thông thoáng bằng cách hút dịch, rửa mũi, xỉ mũi. Nhỏ thuốc co mạch, sát trùng. Hoặc xông khí dung bằng dung dịch kháng sinh, corticoids. Kết hợp ăn uống bồi dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng, uống vitamin C, enervon C. Phòng bệnh chích ngừa vắc-xin cúm, tránh lây lan, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng.
Do sởi: đây là bệnh lý xảy ra chủ yếu ở trẻ em, khi không được tiêm ngừa sởi vào lúc 9 tháng tuổi. Tác nhân gây bệnh là virút thuộc nhóm RNA paramyxovirus. Virút sởi xâm nhập niêm mạc đường hô hấp trên, vào máu, sinh sản ở hệ lưới mô bào. Biểu hiện bệnh sởi có sớm ở mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và nghẹt mũi. Các triệu chứng đi kèm sốt cao, chảy nước mắt, viêm kết mạc mắt, phù nề mi mắt. Khám miệng thấy trên nền đỏ thẫm của niêm mạc má có những chấm trắng nhỏ độ 1mm hơi nổi gợn lên (dấu hiệu Koplik). Sau đó xuất hiện ban sởi mọc, các dấu hiệu viêm mũi giảm.
Hiện chưa có thuốc đặc trị. Chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị biến chứng. Với thể sởi lành tính có thể điều trị tại nhà. Cách ly trẻ tại phòng riêng ngay khi trẻ mới sốt; bảo đảm thoáng, sáng, tránh gió lùa; không cho tiếp xúc với những trẻ khác. Hằng ngày vệ sinh da, răng - miệng, mắt để tránh nhiễm khuẩn, lở loét da: rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm; thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm (nhúng nước đã đun sôi). Với trẻ lớn: cho súc miệng nước muối (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mắt, nhỏ mũi thuốc kháng sinh. Cho ăn nhẹ, đủ chất; cho uống nhiều nước (dung dịch oresol, nước trái cây) khi trẻ sốt cao, tiêu chảy. Với trẻ đang bú: tiếp tục cho bú mẹ. Trẻ đang ăn bổ sung, ngoài sữa mẹ cần ưu tiên cho trẻ khẩu phần đủ chất dinh dưỡng, nhất là những thực phẩm giàu protid và caroten. Cho uống thuốc giảm ho. Trẻ sốt cao lau khăn ấm, cho uống paracetamol, thuốc an thần. Không dùng thuốc kháng sinh cho trẻ bị sởi với mục đích dự phòng biến chứng vì dễ gây loạn khuẩn và dị ứng. Chỉ khi trẻ bị viêm tai giữa, viêm thanh - khí - phế quản, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn mới cho dùng thuốc kháng sinh và chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc. Để đề phòng khô mắt do thiếu vitamin A, có thể cho trẻ uống vitamin A 100.000 đơn vị trong hai ngày đầu. Sau khi sởi bay cho uống thêm một liều như trên.
Do dị vật: thường gặp tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm 2 - 6 tuổi. Nguyên nhân do trẻ chơi các đồ vật nhỏ, rồi tự ý lấy các đồ vật nhét vào mũi, thông thường các loại hạt như hạt đậu xanh, hạt đậu đen có khi cả hạt đậu phộng, các hạt nhựa có kích thước nhỏ, các con ốc nhỏ bằng sắt. Sau đó không tự lấy ra được và do phản xạ các dị vật này bị hít vào trong hốc mũi. Lâu ngày xuất hiện ngạt mũi, chảy nước mũi có mùi hôi thối, nước mũi thành mủ xanh hay vàng, trẻ than đau mũi, thường ngạt và đau một bên mũi. Kèm theo sốt, lạnh run, đau nhức nhiều một bên mũi ngạt. Điều trị dùng ống nội soi và gắp dị vật ra khỏi mũi, thuốc rửa mũi bằng dung dịch natrichlorua 0,9%. Kết hợp thuốc kháng sinh phổ rộng như cefaclor, augmentin, zinnat và thuốc giảm đau.
BS. NGUYỄN THUẬN THÀNH

Để hết khổ với viêm mũi xoang

(SKDS) - Viêm mũi xoang được định nghĩa là tình trạng viêm niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm khuẩn, dị ứng... Tùy theo thời gian diễn biến của bệnh, viêm mũi xoang được chia làm 3 thể: viêm mũi xoang cấp tính kéo dài dưới 4 tuần, viêm mũi xoang bán cấp kéo dài 4 - 8 tuần và viêm mũi xoang mạn tính kéo dài ít nhất 8 - 12 tuần bất chấp việc điều trị.
Trong khi nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là nguyên nhân chủ yếu gây viêm mũi xoang cấp tính thì viêm mũi dị ứng và không dị ứng là các nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm mũi xoang bán cấp và mạn tính.
Viêm mũi xoang cấp: thường gây ra do các tác nhân nhiễm khuẩn (vi khuẩn hoặc virut) với các triệu chứng chủ yếu là chảy nước mũi vàng đục (mũi trước hoặc mũi sau hoặc cả hai), nghẹt tắc mũi và đau tức, sưng nề vùng mặt.
Viêm mũi xoang mạn tính, nhiễm khuẩn cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh, nhưng không rõ rệt như trong viêm mũi xoang cấp tính. 4 triệu chứng chủ yếu của viêm mũi xoang mạn tính là: chảy nước mũi đục ở mũi trước hoặc mũi sau hoặc cả hai; nghẹt hoặc tắc mũi; đau tức, sưng nề vùng mặt, đau đầu; mất khả năng ngửi. Để chẩn đoán bệnh cần sự xuất hiện của ít nhất 2 trong 4 triệu chứng kể trên.
 
 Vị trí các xoang và cuốn mũi.
Đau căng tức vùng mặt và đau đầu là triệu chứng rất hay gặp, thường được mô tả là tình trạng đau âm ỉ ở vùng má trên, giữa hai mắt hoặc trán. Chảy nước mũi trong viêm mũi xoang mạn tính thường là nước mũi trắng đục hoặc vàng nhạt, mặc dù nước mũi vàng đậm, xanh hoặc nâu cũng có thể gặp. Khứu giác có thể bị giảm sút một phần hoặc hoàn toàn và thường có liên quan với tình trạng dày niêm mạc hoặc mờ đục của xoang sàng trước. Đôi khi, tình trạng mất ngửi gây ra do thoái hóa dây thần kinh khứu giác.
 
Trên lâm sàng, viêm mũi xoang mạn tính được chia thành 3 nhóm là: viêm mũi xoang mạn tính không có polýp mũi; viêm mũi xoang mạn tính có kèm theo polýp mũi; viêm mũi xoang mạn tính do dị ứng nấm. Viêm mũi xoang mạn tính không có polýp mũi chiếm xấp xỉ 60% các trường hợp, nó có thể gây ra do sự phối hợp ở các mức độ khác nhau của nhiều yếu tố như dị ứng, bất thường về cấu trúc của mũi xoang hoặc nhiễm vi khuẩn, virut.
 
Biểu hiện căng đau và sưng nề vùng mặt thường gặp trong thể viêm mũi xoang này hơn so với các thể khác. Các loại vi khuẩn thường phân lập được từ xoang là phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu, Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis. Tắc nghẽn lỗ xoang thường là sự kiện khởi phát, gây ứ trệ dịch nhầy trong xoang, hậu quả gây ra nhiễm khuẩn xoang.
Điều trị viêm mũi xoang cấp tính: thường đòi hỏi sử dụng một loại kháng sinh thích hợp với đủ liều lượng trong thời gian trung bình là 10 -14 ngày. Kháng sinh nên được lựa chọn đầu tiên là amoxicillin. Nếu bệnh nhân không đáp ứng sau 3 ngày dùng thuốc có thể chuyển sang các kháng sinh có phổ tác dụng rộng hơn như cefuroxime, amoxicillin-clavulanate, clarithromycin hoặc levofloxacin. Các biện pháp điều trị khác có thể được sử dụng trong điều trị viêm mũi xoang cấp là dùng các thuốc co mạch (như xylomethazolin, oxymethazolin nhỏ tại chỗ hoặc pseudoephedrine.
Lưu ý: Không dùng thuốc co mạch quá 5 - 7 ngày), rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý, tăng cường bù dịch và nhỏ mũi bằng các dung dịch có chứa corticosteroid (như hydrocortisone, dexamethasone) để giảm phù nề ở mũi và mở rộng các lỗ xoang.
Điều trị viêm mũi xoang mạn tính: Kế hoạch điều trị tương tự như với viêm mũi xoang cấp tính, ngoại trừ việc phải dùng kháng sinh trong một thời gian lâu hơn (3 - 6 tuần) và sử dụng kéo dài các thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid như fluticasone propionate, budesonide, mometasone hoặc beclomethasone. Nên dùng sớm các kháng sinh phổ rộng như cefuroxime, clarithromycin, levofloxacin hoặc azithromycin ngay từ đầu thay vì lựa chọn amoxicillin như trong viêm mũi xoang cấp.
 
Trong những trường hợp không đáp ứng với các kháng sinh kể trên mà bệnh nhân thở hơi thở có mùi hôi cần nghĩ đến nguyên nhân nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí và nên phối hợp thêm các kháng sinh có tác dụng với loại vi khuẩn này như metronidazole hoặc clindamycin.Viêm mũi xoang do nấm thường đòi hỏi điều trị bằng phẫu thuật kết hợp với dùng thuốc chống nấm.
 
Phẫu thuật xoang thường được chỉ định ở những bệnh nhân thất bại với điều trị nội khoa một cách triệt để sau ít nhất 4 - 6 tháng. Phương pháp thường sử dụng là mở rộng lỗ xoang hàm và xoang sàng, cắt bỏ polýp mũi. Bệnh nhân cần được rửa mũi tích cực và tiếp tục sử dụng corticosteroid xịt mũi sau phẫu thuật. Cần lưu ý là những bệnh nhân có polýp mũi thường có xu hướng tái phát polýp sau phẫu thuật.     
  BS. Nguyễn Hữu Trường

Các biến chứng của viêm họng do liên cầu

Viêm họng do liên cầu có thể xảy ra đối với mọi người, nhưng gặp nhiều hơn ở trẻ em từ 6-12 tuổi. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng như thấp khớp, tổn thương các van tim.
Liên cầu lây nhiễm từ đâu?
Liên cầu lây nhiễm mạnh qua thức ăn, nước uống, hơi thở, dính vào đồ vật lây sang tay rồi đưa lên miệng. Khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, liên cầu có thể lan truyền qua những giọt nước bọt li ti khuếch tán vào không khí, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh, đồng thời, một số lượng liên cầu từ các giọt nước bọt rơi xuống bề mặt đồ vật, người lớn và trẻ em có thể bị nhiễm khuẩn do sờ vào đồ vật, núm cửa rồi đưa chúng lên mũi hoặc miệng.
 
 Liên cầu khuẩn nhóm A.
Liên cầu cũng có thể từ nước bọt của bệnh nhân bắn ra, rơi nhiễm vào thức ăn, nước uống, người lành ăn uống phải sẽ bị lây bệnh. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với bệnh truyền nhiễm nói chung và liên cầu nói riêng do hệ miễn dịch đang phát triển, chưa hoàn thiện nên dễ lây bệnh trong gia đình, trường học và nhà trẻ.
Biểu hiện khi bị viêm họng do liên cầu
Một người bị viêm họng do liên cầu thường có các triệu chứng như sau: tuyến amidan đỏ và sưng to. Đau họng không kèm theo cảm lạnh hoặc chảy nước mũi. Nhưng cũng có những bệnh nhân bị viêm họng liên cầu mà không đau họng. Đôi khi bạn có thể nhìn thấy vệt trắng hoặc một vài đốm mủ trên amidan. Ở trẻ em, amidan có thể có màng màu xám hoặc màu trắng.
 
 Viêm hong do liên cầu có nhiều đờm, mủ trên 2 tuyến amidan.
Sưng và đau hạch ở cổ. Bệnh nhân có sốt trên 39,5oC, đau đầu, đau nhức cơ bắp, đau bụng và có thể nôn. Nếu trẻ bị viêm họng liên cầu, chúng sẽ đau họng và khó nuốt. Trẻ em có thể có rối loạn nhịp thở, hơi thở nông, đau đầu nặng, đau ngực, nổi ban hoặc đau khớp. Xét nghiệm: ngoáy ở họng hoặc ở đốm mủ ở amidan nuôi cấy tìm thấy liên cầu họng.
Biến chứng viêm họng do liên cầu gồm các nhiễm khuẩn khác như viêm amidan, viêm xoang và viêm tai. Đặc biệt, bệnh có thể có biến chứng viêm cầu thận, thấp khớp. Thấp khớp có thể thấy các nốt viêm hình thành ở khớp, da và cơ. Các nốt này cũng có thể hình thành ở cơ tim, nội mạc tim và đặc biệt là ở van tim, gây ra sẹo có thể cản trở dòng máu trong tim. Trong một số trường hợp, tổn thương này có thể dẫn tới suy tim.
Chăm sóc trong điều trị và phòng bệnh
Hầu hết các trường hợp viêm họng do liên cầu đều phải dùng kháng sinh như penicillin, cephalosporin hoặc clindamycin. Thuốc penicillin có thể dùng đường tiêm trong trường hợp trẻ khó nuốt hoặc có nôn. Điều cần lưu ý là bạn phải bảo đảm cho trẻ uống thuốc đầy đủ số ngày theo chỉ định của bác sĩ để tránh tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc do dừng thuốc sớm. Nếu có vi khuẩn kháng thuốc, nó cũng gây nhiều ca viêm họng do liên cầu hơn và các biến chứng nặng như thấp khớp, hở van tim cũng nhiều hơn. Điều trị triệu chứng dùng các loại thuốc: acetaminophen để giảm đau họng và giảm sốt. Nhưng lưu ý không dùng aspirin cho trẻ dưới 12 tuổi. Dùng các loại vitamin nhóm B, C để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Cách chăm sóc để bệnh nhân mau lành bệnh gồm: nghỉ ngơi nhiều, nếu bệnh nhân ngủ được sẽ nâng cao sức chống đỡ bệnh tật. Đối với trẻ em, nên cho ở nhà tới khi không còn sốt và thể trạng tốt lên. Uống nhiều nước có tác dụng giúp họng đau được trơn, ẩm, dễ nuốt, giúp đề phòng mất nước. Bạn cũng nên cho bệnh nhân ăn thức ăn mềm như nước canh thịt hoặc súp như súp gà có đặc tính kháng khuẩn. Các thức ăn như cơm cháo gạo, cháo khoai tây, hoa quả mềm, sữa chua và trứng nấu mềm vừa dễ tiêu vừa tăng sức đề kháng.
 
Không nên cho trẻ ăn thức ăn cay hoặc chua như nước cam, nước chanh, dưa cà muối… Nên cho bệnh nhân súc họng bằng nước muối ấm, pha 1/2 - 1 thìa cà phê muối trong 220ml nước ấm. Làm ẩm không khí cũng giúp bệnh nhân, nhất là trẻ nhỏ dễ chịu vì hơi ẩm giúp niêm mạc họng khỏi bị khô rát. Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi cũng giúp làm ẩm niêm mạc. Tránh khói thuốc lá vì khói thuốc lá kích thích họng và có thể làm tăng viêm nhiễm.
Phòng bệnh bằng các biện pháp sau đây: bạn thường xuyên rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ nhỏ; với trẻ lớn hơn, cần hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với các đồ vật trong phòng. Dạy trẻ che miệng khi ho hay hắt hơi.  
ThS.Nguyễn Thế Minh