Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Kiêng kỵ khi trẻ ho đàm

Trẻ nhỏ rất dễ ho có đàm vào những ngày thời tiết thay đổi hay khi nhiệt độ xuống thấp. Lúc này bạn cần hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn.


kieng-ky-khi-tre-ho-dam
Không ra ngoài khi sáng sớm
Sáng sớm, nhiệt độ ngoài trời thấp hơn nhiều so với nhiệt độ bên trong nhà (ít nhất cũng khoảng 2-30C) và có nhiều gió hơn. Để trẻ ra ngoài vào sáng sớm có thể gây nhiễm lạnh, gặp gió, gây ho. Nếu bé đang bị ho thì sẽ càng bị ho nhiều hơn. Chưa kể, sương sáng sớm rất lạnh, nếu trẻ đứng ngoài sân hoặc gần cửa sổ để mở, bé dễ hít phải sương, gây ho dị ứng và tiết nhiều đàm.
Để bảo vệ bé, mỗi buổi sáng khi thức dậy bạn không nên để trẻ chạy ra ngoài ngay mà nên để bé dậy chừng 5-10 phút để cơ thể tái kích hoạt chuyển sang trạng thái thức. Khi đó cơ chế phòng lạnh của cơ thể sẽ tốt hơn. Vào những ngày thời tiết bình thường, bạn cũng không nên cho trẻ ra ngoài trước 7h sáng; còn những ngày trời lạnh, chỉ cho trẻ ra ngoài sau 8h.
Tránh đi chơi về muộn
Buổi chiều muộn, nhiệt độ giảm xuống nhanh, nhất là từ 5h chiều. Tốc độ hạ nhiệt quá nhanh sẽ khiến cơ thể bé không kịp thích nghi, dễ gây ho đàm ở trẻ. Những trẻ đang bị ho đàm thì khi ở ngoài trời vào chiều muộn sẽ khiến đàm tiết ra nhiều hơn. 
Lý do là vì trong điều kiện nhiệt độ giảm hệ hô hấp cần tiết ra nhiều dịch để làm ẩm không khí. Khi hệ hô hấp không không kịp điều tiết sẽ gây ho nhiều hơn.
Tốt nhất, bạn nên cho trẻ về nhà trước 5h30 chiều vào những ngày mùa hè và trước 5h chiều vào những ngày thu đông; tuyệt đối không để trẻ ở ngoài trời sau 6h chiều. Khi ở ngoài trời vào lúc chiều muộn, bạn nên bế bé vào lòng, quay mặt ngược lại với chiều gió, ngực và bụng của bé áp vào người bạn (không nên đặt bé ở trong xe đẩy) để cản gió và sưởi ấm cho bé, tránh tối đa nguy cơ nhiễm lạnh.
Cẩn thận với điều hòa
Những ngày nắng, bố mẹ thường lo trẻ bị nóng nên tích cực bật điều hòa mà không biết điều này càng khiến cho tình trạng ho đàm của bé nặng hơn. Vì chế độ điều hòa lạnh thường khiến cho không khí bị khô, độ ẩm có khi chỉ còn 50%. 
Không khí lạnh và khô sẽ làm cho đường thở của bé bị khô và làm tăng thêm tình trang viêm niêm mạc ở cổ họng. Điều này khiến đàm sinh ra nhiều hơn, trong khi những mảng đàm cũ trở nên khó tiêu và khó khạc ra, bệnh sẽ càng khó dứt.
Nếu muốn dùng điều hòa cho bé, bạn hãy duy trì nhiệt độ 270C. Không nên để giường ngay đối diện với hướng của điều hoà mà chỉ nên đặt song song với hướng của luồng hơi đi ra. Nếu bé đang bị ho, bạn nhớ phủ một chiếc khăn mặt bông mỏng lên vùng ngực, bụng khi cho trẻ nằm điều hoà.
Đừng để quạt trực diện
Đặc điểm của quạt điện là làm không khí liên tục lưu thông với cường độ lớn, dẫn đến tăng tốc độ bay hơi nước. Khi cho trẻ nằm trước quạt, sự bay hơi nước trong đường thở càng nhanh, nhất là khi để chế độ quạt mạnh và đứng im một chỗ. Trẻ em ngủ lại hay há miệng cho nên rất dễ bị khô miệng họng và phế quản, gây viêm sưng niêm mạc họng.
Khi bé bị ho đàm, bạn không nên để quạt trực diện, cũng không nên để theo hướng thổi từ chân lên đầu (hướng gió sẽ đi vào mũi miệng), tốt nhất nên để quạt chếch người, hướng từ thân người xuống dưới chân, cách chỗ nằm của bé khoảng hơn 1m.


1 nhận xét: