Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Các bệnh đường hô hấp - mối quan tâm của toàn xã hội


Ô nhiễm môi trường tăng kéo theo bệnh hô hấp ngày càng phổ biến. Nhiều loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp, với độc lực cao như virus cúm A H5N1…




Các bệnh hô hấp thường gặp

Viêm phế quản cấp là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi hoặc người già, những người có bệnh mũi, xoang hoặc khuyết tật về phổi...


Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng cũng rất thường gặp. Hầu hết các bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn; một số khác có thể tiến triển thành áp xe phổi, hoặc tràn mủ màng phổi; một số ít bệnh nhân có thể tiến triển thành hội chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong. 

Ngày càng nhiều loại virus có gây nhiễm trùng đường hô hấp, với độc lực cao như virus cúm A H5N1… Viêm phổi do virus có thể bùng phát thành dịch lớn như SARS, cúm A H1N1…

Do ô nhiễm môi trường tăng, bệnh hô hấp ngày càng phổ biến. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong thập kỷ này, bệnh sẽ gây ra 2,9 triệu người chết mỗi năm. Ở nước ta, 1/4 bệnh nhân tại các khoa bệnh phổi bị phổi tắc nghẽn mạn tính. 

Hen phế quản gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh nhân có thể xuất hiện cơn bùng phát nặng, gây tử vong khi tiếp xúc với dị nguyên, ngay cả khi bệnh đã hoàn toàn được kiểm soát.

Ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu. Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ (tỷ lệ 5 nam/ 1 nữ), hầu hết được phát hiện ở giai đoạn muộn. Do vậy, thời gian từ khi được phát hiện đến lúc tử vong ngắn, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ dưới 15%. 

Lao phổi hiện nay có tần suất cao. Lao có thể gây các tổn thương đa dạng ở đường hô hấp. guy cơ các vi khuẩn lao kháng thuốc và lao đa kháng thuốc ngày một nhiều..

Điều trị và dự phòng

Các điều trị bệnh hô hấp được chỉ định theo từng bệnh cụ thể. 


Tránh tiếp xúc các yếu tố nguy cơ là ưu tiên trong điều trị, đặc biệt là các bệnh hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính. Cần tránh: khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp (đặc biệt là khói bếp than), bụi, tránh các mùi hắc, các thức ăn đã từng gây dị ứng... không nuôi chó, mèo, chim và các súc vật khác, môi trường trong nhà cần luôn được giữ khô, sạch và thoáng.

Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn cần chỉ định dùng kháng sinh, việc lựa chọn thuốc nên quan tâm tới mô hình vi khuẩn học ở từng địa phương, từng bệnh viện cụ thể. Tránh dùng kháng sinh tràn lan dễ làm gia tăng tính kháng thuốc. 

Thuốc giãn phế quản và corticoid được dùng thường xuyên trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản có rối loạn thông khí tắc nghẽn... 

Mặc dù hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp đều có ho, tuy nhiên, việc dùng thuốc giảm ho không được khuyến cáo, do ho được xem là phản ứng có lợi của cơ thể, giúp đưa các chất thải (đờm) bẩn trong đường thở ra ngoài. Do vậy thuốc giảm ho chỉ được dùng cho người ho khan, hoặc ho làm tăng nguy cơ ho máu.

Vỗ rung lồng ngực, dẫn lưu tư thế được đặc biệt lưu tâm cho bệnh nhân giãn phế quản, viêm phổi hít phải hoặc áp xe phổi.... 

Tiêm vacxin phòng cúm, phòng phế cầu thường được khuyến cáo cho tất cả bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, khiếm khuyết hệ thống miễn dịch, làm cho các bệnh nhiễm trùng hô hấp tái đi, tái lại... 

Xu hướng chung của các bệnh hô hấp trong tương lai

Do tình trạng ô nhiễm môi trường liên tục gia tăng, tình trạng hút thuốc lá chưa giảm, thực trạng nhiễm HIV/AIDS, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp do giao thương trên toàn thế giới với Việt Nam nên bệnh hô hấp sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn từ mỗi người dân và của toàn xã hội.

Theo Sức khỏe & đời sống

1 nhận xét: