Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Ho kéo dài, làm sao chữa?

Vào thời điểm đầu hè, thời tiết trong ngày thay đổi rất nhiều, kèm theo sự ô nhiễm không khí làm cơ thể rất dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt nhiều người bị ho. Đại đa số các trường hợp là ho gió, ho khan thông thường nhưng đã vội vàng sử dụng kháng sinh và thuốc giảm ho. Một số người phàn nàn về việc dùng thuốc kháng sinh nhiều lần nhưng ho chỉ giảm chứ không hết, sau khi uống hết thuốc lại tái phát và nặng hơn...
Tại sao chúng ta bị ho?
Ho là một phản xạ tốt của cơ thể nhằm làm sạch hoặc tống dị vật ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu bị ho liên tục trên 4 tuần thì được gọi là ho kéo dài và có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, có thể do nguyên nhân tại phổi hoặc ngoài phổi như viêm mũi xoang, viêm tai, trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh tim mạch,… hoặc cũng có thể do nguyên nhân tâm lý, ô nhiễm môi trường.
 Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Một điểm cần lưu ý: trẻ nhỏ dễ bị ho, khiến cha mẹ phải lo lắng. Thực ra, có những trẻ nhỏ sáng ngủ dậy ho nhẹ mấy tiếng, chẳng qua là đẩy đờm rãi mà ban đêm tích trong cổ họng ra ngoài, chứ không phải bị ốm đau gì, vì vậy, cha mẹ phải biết phân biệt nguyên nhân khiến bé bị ho.
Cách phòng tránh và điều trị ho
Trong trường hợp chỉ có ho gió, ho khan mà không sốt, không khạc ra đờm, không đau ngực thì nhất định không được dùng kháng sinh hoặc thuốc giảm ho mà chỉ nên áp dụng một số bài thuốc nam để tăng sức đề kháng, làm sạch đường hô hấp. Thuốc kháng sinh chỉ được uống khi có chỉ định của bác sĩ và khi cơ thể bị ho cấp kéo dài, ho có đờm đặc hoặc kèm theo máu, mủ.
Với trẻ em: Cho bé uống nhiều nước, nhất là trong thời gian bé bị ho, nếu như trong cơ thể thiếu nước, thì đờm trong họng sẽ đặc lại khó ho ra được. Chú ý ăn ít những thức ăn ngọt và đồ lạnh. Bảo đảm cho không khí trong nhà được lưu thông, thường xuyên đưa bé ra hoạt động ở ngoài trời; tùy theo thời tiết mà mặc thêm quần áo cho bé. Không cho trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá, mầm bệnh. Cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, đặc biệt là tai - mũi - họng cho trẻ hàng ngày. Trong trường hợp bé có đờm mà không khạc ra được, cha mẹ bế cho bé cúi đầu xuống đầu gối của mình, sau đó vỗ nhẹ sau lưng bé, để cho đờm ra.
 Trào ngược dạ dày thực quản cũng là một nguyên nhân gây ho.
Với người lớn:
Cần đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường, súc họng bằng nước muối nhạt hàng ngày; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ăn uống và làm việc điều độ để giữ gìn sức khỏe và tăng sức đề kháng.
Để giảm ho, long đờm cho cả người lớn và trẻ em có thể sử dụng các bài thuốc dân gian như: lá húng chanh giã lấy nước uống sống hoặc thái nhỏ chưng với đường phèn, mật ong hấp với quả quất còn xanh hoặc mật ong hấp lá hẹ, có thể kết hợp dùng thêm bổ phế hoặc viên ngậm bạc hà.
Buổi tối trước khi đi ngủ, bạn hãy thoa dầu nóng ngay dưới gan bàn chân và nếu trời lạnh thì đi tất để giữ ấm bàn chân khi ngủ.
Đối với khẩu phần ăn của người đang bị ho, dù ho vì bất kỳ nguyên nhân gì, cũng cần phải loại bỏ ngay những món ăn như tôm, dừa (kể cả các thực phẩm làm từ dừa), trứng các loại, đậu phộng, hạt điều, dầu mỡ, đồ ăn quá ngọt, nước mía, nước đá, cốm và thói quen hút thuốc lá ở người lớn.      

  BS.Vũ Đình Long

1 nhận xét: