Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Cơ hội điều trị hiệu quả cho bệnh nhân bị chít hẹp khí - phế quản

Vừa qua, tại Bệnh viện Quân đội 103, các bác sĩ Khoa Lao và bệnh phổi đã thực hiện thành công kỹ thuật đặt giá đỡ (đặt stent) khí phế quản cho một bệnh nhân hẹp khí quản. Đây là bệnh viện đầu tiên trong quân đội thực hiện thành công kỹ thuật này với chính nhân lực và trang bị hiện có.
Kỹ thuật đặt giá đỡ (còn gọi là đặt stent) khí phế quản là kỹ thuật tiên tiến để điều trị các trường hợp hẹp khí - phế quản do các nguyên nhân. Đây là một kỹ thuật cao trong chuyên ngành hô hấp, không những đòi hỏi trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y, bác sĩ mà còn phải có nhiều trang thiết bị y tế phức tạp và đồng bộ.
 
 Các thầy thuốc thăm khám cho bệnh nhân sau khi đặt stent khí quản.
Từ năm 2004, tại Khoa Lao và bệnh phổi - Bệnh viện 103 đã tiến hành kỹ thuật nội soi can thiệp và đặt giá đỡ phế quản cho một bệnh nhân hẹp phế quản do ung thư với sự hỗ trợ của chuyên gia người Pháp và sự phối hợp của các chuyên gia một số bệnh viện trong nước. Hiện tại, một số bệnh viện lớn trong nước như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai đã bước đầu triển khai thực hiện kỹ thuật này.
 
Sau một thời gian chuẩn bị về chuyên môn và trang bị, ngày 14/2/2012, Khoa Lao và bệnh phổi - Bệnh viện 103 đã thực hiện thành công kỹ thuật đặt giá đỡ cho bệnh nhân hẹp khí quản. Đây là bệnh viện đầu tiên trong quân đội thực hiện thành công kĩ thuật này với chính nhân lực và trang bị hiện có. Bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật là Lưu Viết Hợp (sinh năm 1989, quê xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội), có tiền sử chấn thương sọ não, hôn mê phải đặt nội khí quản thông khí nhân tạo.
 
 Hình ảnh hẹp khí quản trước đặt stent. - Hình ảnh nội soi khí quản sau đặt stent.
Sau đặt nội khí quản, bệnh nhân bị hẹp khí quản do sơ sẹo. Bệnh nhân thường xuyên có biểu hiện thở rít, khó thở, mệt, sức khỏe giảm sút nhanh, dễ bị nhiễm khuẩn đường thở, thường xuyên phải ngồi để thở. Khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện của suy hô hấp, làm các xét nghiệm nội soi và chụp cắt lớp vi tính thấy 1/3 trên của khí quản hẹp đồng tâm, mức độ hẹp chiếm 2/3 đường kính khí quản, đoạn hẹp dài khoảng 1,5cm, chỗ hẹp viêm nhiễm, tăng tiết dịch nhày.
 
Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ của Khoa Lao và bệnh phổi cùng các khoa liên quan: Hồi sức, Gây mê đã quyết định tiến hành nội soi phế quản, nong và đặt giá đỡ silicon phế quản. Ngày 15/2/2012, kỹ thuật đã được thực hiện cho bệnh nhân Hợp. Kíp kỹ thuật do các chuyên gia về hô hấp như: PGS.TS. Đỗ Quyết - Phó Giám đốc; PGS.TS. Nguyễn Huy Lực - Chủ nhiệm Bộ môn Khoa Lao và bệnh phổi; PGS.TS. Tạ Bá Thắng - Phó Chủ nhiệm khoa cùng các tiến sĩ, bác sĩ của Khoa Lao và bệnh phổi và Khoa Gây mê trực tiếp thực hiện. Trong quá trình tiến hành kỹ thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định.
 
Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân hết tình trạng khó thở, sinh hoạt bình thường và xuất viện. Việc tự đảm đương thực hiện kỹ thuật đặt giá đỡ khí - phế quản thành công tại Bệnh viện Quân đội 103 đã tạo cơ hội điều trị hiệu quả cho những người bệnh bị chít hẹp khí - phế quản do nhiều nguyên nhân (lành tính và ác tính) như các di chứng của các bệnh (ung thư, lao, dị vật, sau đặt nội khí quản, mở khí quản lâu ngày…). Sắp tới, Khoa Lao và bệnh phổi - Bệnh viện 103 sẽ có kế hoạch triển khai nhiều kỹ thuật nội soi phế quản, nội soi lồng ngực can thiệp để điều trị các bệnh hô hấp khác.

1 nhận xét: