Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Cách kiểm soát tốt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính


Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay COPD là tình trạng viêm và tắc nghẽn đường thở lâu ngày, không hồi phục hoàn toàn. Triệu chứng chính của bệnh là ho và khạc đờm, khó thở khò khè. Bệnh nhân luôn cảm thấy nặng ngực, hụt hơi, thiếu khí. 

Bệnh hay gặp ở nam giới và người cao tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm hoặc có nghề nghiệp liên quan đến khói bụi, hóa chất: công nhân hầm lò, hàn, sơn... Bệnh không thể điều trị khỏi nhưng có thể kiểm soát tốt. 

Người mắc bệnh COPD có thể hay bị các đợt khó thở cấp tính còn gọi là đợt kịch phát, nguyên nhân chính thường do nhiễm khuẩn đường thở hoặc ô nhiễm không khí. Khi lên cơn cấp, bệnh nhân cần nhanh chóng sử dụng các thuốc xịt, bơm giãn phế quản và đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị nhằm tránh biến chứng suy hô hấp, nhiễm khuẩn nặng, thậm chí tử vong. 

Để phòng ngừa, bệnh nhân phải bỏ thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói bụi, khói bếp, khí than, lông súc vật... Về chế độ ăn uống, phải được quan tâm đặc biệt, đó là ăn thành nhiều bữa, ăn chậm, nhai kỹ, tránh uống các chất kích thích như rượu bia hoặc đồ uống có ga.

Khi bị COPD, người bệnh cần phải rèn luyện thân thể bằng cách đi bộ thường xuyên, chơi các môn thể thao phù hợp với sức khỏe và tuổi tác. Trong quá trình tập, bệnh nhân nên chú ý tập thở, luyện để hơi thở được sâu và dài, tốt cho sự hoạt động của phổi và các phế nang.

Theo ThS. Hà Hùng - Sức khỏe & Đời sống

1 nhận xét: