Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Viêm mũi xoang

Mũi và xoang có mối liên hệ chặt chẽ cả về cấu trúc giải phẫu và hoạt động chức năng, nên trong thực tế, viêm xoang rất hiếm khi xảy ra đơn lẻ mà thường lan ra mũi và các xoang khác cạnh mũi. Ngoài ra, triệu chứng của viêm xoang và viêm mũi cũng có nhiều điểm tương đồng nên các nhà khoa học đã khuyến cáo việc sử dụng thuật ngữ viêm mũi xoang thay cho thuật ngữ viêm xoang.
Thế nào là viêm mũi xoang?
Vùng đầu mặt của cơ thể con người có 4 nhóm xoang chính là xoang hàm, xoang sàng, xoang trán và xoang bướm. Bên trong bề mặt của các xoang này có một hệ thống các lông chuyển luôn chuyển động đồng thời theo một hướng, làm nhiệm vụ đẩy chất dịch nhày do niêm mạc xoang bài tiết ra lỗ xoang và đưa vào hốc mũi. Để đảm bảo hoạt động chức năng bình thường của các xoang đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng thời của 3 yếu tố:
1/ Sự thông thoáng của các lỗ xoang.
2/ Hoạt động bình thường của hệ thống lông chuyển.
3/ Khả năng miễn dịch của cơ thể.
Tắc lỗ xoang thường gặp do viêm niêm mạc mũi xoang cấp tính và mạn tính, trong khi đó, chức năng của các lông chuyển có thể bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau như khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, trong bệnh xơ nang, hội chứng Kartagener, nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus... Khả năng miễn dịch của cơ thể có thể bị suy giảm bởi các nguyên nhân bẩm sinh (như giảm globulin miễn dịch máu, rối loạn chức năng tế bào lympho T…) hoặc mắc phải (do nhiễm HIV/AIDS, dùng thuốc ức chế miễn dịch…). Bất cứ yếu tố nào trong số này xuất hiện đều gây ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của xoang và làm tăng nguy cơ viêm mũi xoang.
Viêm mũi xoang được định nghĩa là tình trạng viêm niêm mạc của mũi và các xoang cạnh mũi gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm khuẩn, dị ứng… Tùy theo thời gian diễn biến của bệnh, viêm mũi xoang được chia làm 3 thể là viêm mũi xoang cấp tính kéo dài dưới 4 tuần, viêm mũi xoang bán cấp kéo dài 4 - 8 tuần và viêm mũi xoang mạn tính kéo dài ít nhất 8 - 12 tuần bất chấp việc điều trị. Trong khi nhiễm trùng đường hô hấp trên là nguyên nhân chủ yếu gây viêm mũi xoang cấp tính thì viêm mũi dị ứng và không dị ứng là các nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm mũi xoang bán cấp và mạn tính.
Viêm mũi xoang – do đâu?
Viêm mũi xoang cấp thường gây ra do các tác nhân nhiễm khuẩn (vi khuẩn hoặc virus) với các triệu chứng chủ yếu là chảy nước mũi vàng đục (mũi trước hoặc mũi sau hoặc cả 2), nghẹt tắc mũi và đau tức, sưng nề vùng mặt.
Trong viêm mũi xoang mạn tính, nhiễm khuẩn cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh, nhưng không rõ rệt như trong viêm mũi xoang cấp tính. Bốn triệu chứng chủ yếu của viêm mũi xoang mạn tính là:
1/Chảy nước mũi đục ở mũi trước hoặc mũi sau hoặc cả hai.
2/Nghẹt hoặc tắc mũi.
3/Đau tức, sưng nề vùng mặt, đau đầu.
4/ Mất khả năng ngửi.
Để chẩn đoán bệnh cần sự xuất hiện của ít nhất 2 trong 4 triệu chứng kể trên. Đau căng tức vùng mặt và đau đầu là triệu chứng rất hay gặp, thường được mô tả là tình trạng đau âm ỉ ở vùng má trên, giữa 2 mắt hoặc trán. Chảy mũi trong viêm mũi xoang mạn tính thường là nước mũi trắng đục hoặc vàng nhạt, mặc dù nước mũi vàng đậm, xanh hoặc nâu cũng có thể gặp. Khứu giác có thể bị giảm sút một phần hoặc hoàn toàn và thường có liên quan với tình trạng dày niêm mạc hoặc mờ đục của xoang sàng trước. Đôi khi, tình trạng mất ngửi gây ra do thoái hóa dây thần kinh khứu giác.
Hình ảnh cấu tạo xoang.
Phân loại
Trên lâm sàng, viêm mũi xoang mạn tính được chia thành 3 dưới nhóm là:
1/ Viêm mũi xoang mạn tính không có polyp mũi.
2/ Viêm mũi xoang mạn tính có kèm theo polyp mũi.
3/ Viêm mũi xoang mạn tính do dị ứng nấm.
Viêm mũi xoang mạn tính không có polyp mũi chiếm xấp xỉ 60% các trường hợp, nó có thể gây ra do sự phối hợp ở các mức độ khác nhau của nhiều yếu tố như dị ứng, bất thường về cấu trúc của mũi xoang hoặc nhiễm vi khuẩn, virus. Biểu hiện căng đau và sưng nề vùng mặt thường gặp trong thể viêm mũi xoang này hơn so với các thể khác. Các loại vi khuẩn thường phân lập được từ xoang là phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu, Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis. Tắc nghẽn lỗ xoang thường là sự kiện khởi phát, gây ứ trệ dịch nhày trong xoang, hậu quả gây ra nhiễm khuẩn xoang. Về mô bệnh học, tăng sinh tuyến và xơ hóa dưới niêm mạc cũng là những đặc trưng của viêm mũi xoang mạn tính không có polyp mũi. Viêm mũi xoang mạn tính có kèm theo polyp mũi chiếm 20-33% các trường hợp, triệu chứng tương tự như trong thể viêm mũi trên nhưng biểu hiện giảm  hoặc mất ngửi thường gặp hơn. Polyp cuốn mũi thường gặp ở cả 2 bên, nguyên nhân khởi phát gây polyp còn chưa được rõ. Viêm mũi xoang mạn tính do dị ứng nấm đi liền với sự xuất hiện của dịch nhày có chứa các bạch cầu ái toan thoái hóa và bào tử nấm cùng với các bằng chứng của tình trạng dị ứng nấm gây ra do kháng thể IgE. Trên lâm sàng, bệnh nhân thường có polyp mũi, các triệu chứng thực thể cũng tương tự như các thể viêm mũi xoang mạn tính khác. Thường phải tiến hành phẫu thuật xoang để loại bỏ và lấy các dịch nhày này xét nghiệm nhằm thiết lập chẩn đoán xác định.
Điều trị viêm mũi xoang cấp tính
Thường đòi hỏi sử dụng một loại kháng sinh thích hợp với đủ liều lượng trong thời gian trung bình là 10-14 ngày. Kháng sinh nên được lựa chọn đầu tiên là amoxicillin. Nếu bệnh nhân không đáp ứng sau 3 ngày dùng thuốc có thể chuyển sang các kháng sinh có phổ tác dụng rộng hơn như  cefuroxime, amoxicillin-clavulanate, clarithromycin hoặc levofloxacin. Các biện pháp điều trị khác có thể được sử dụng trong điều trị viêm mũi xoang cấp là dùng các thuốc co mạch (như xylomethazolin, oxymethazolin nhỏ tại chỗ hoặc pseudoephedrine 30-60mg, rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý, tăng cường bù dịch và nhỏ mũi bằng các dung dịch có chứa corticosteroid (như hydrocortisone, dexamethasone) để giảm phù nề ở mũi và mở rộng các lỗ xoang.
Điều trị viêm mũi xoang mạn tính
Kế hoạch điều trị tương tự như với viêm mũi xoang cấp tính, ngoại trừ việc phải dùng kháng sinh trong một thời gian lâu hơn (3-6 tuần) và sử dụng kéo dài các thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid như fluticasone propionate, budesonide, mometasone hoặc beclomethasone. Nên dùng sớm các kháng sinh phổ rộng như cefuroxime, clarithromycin, levofloxacin hoặc azithromycin ngay từ đầu thay vì lựa chọn amoxicillin như trong viêm mũi xoang cấp. Trong những trường hợp không đáp ứng với các kháng sinh kể trên mà bệnh nhân thở hơi thở có mùi hôi cần nghĩ đến nguyên nhân nhân nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí và nên phối hợp thêm các kháng sinh có tác dụng với loại vi khuẩn này như  metronidazole hoặc clindamycin.Viêm mũi xoang do nấm thường đòi hỏi điều trị bằng phẫu thuật kết hợp với dùng thuốc chống nấm. Các thuốc có tác dụng kháng leukotriene như montelukast, zifirlukast, zileuton cũng có thể được sử dụng ở những bệnh nhân viêm mũi xoang mạn tính có polyp mũi hoặc nhạy cảm với aspirin. Phẫu thuật xoang thường được chỉ định ở những bệnh nhân thất bại với điều trị nội khoa một cách triệt để sau ít nhất 4-6 tháng. Phương pháp thường sử dụng là mở rộng lỗ xoang hàm và xoang sàng, cắt bỏ polyp mũi. Bệnh nhân cần được rửa mũi tích cực và tiếp tục sử dụng corticosteroid xịt mũi sau phẫu thuật. Cần lưu ý là những bệnh nhân có polyp mũi thường có xu hướng tái phát polyp sau phẫu thuật.
Trong một số trường hợp, viêm mũi xoang mạn tính có thể rất “bướng bỉnh”, cho dù được điều trị tích cực hoặc thậm chí được phẫu thuật, người bệnh vẫn tiếp tục xuất hiện các đợt viêm mũi xoang tái phát.
BS. Nguyễn Hữu Trường

1 nhận xét: